Chạnh lòng thân phận “ông chủ”
Chí Tín - 25/03/2015 09:02
Mùa đại hội đồng cổ đông đang bước vào những ngày sôi động nhất. Đây cũng chính là khoảng thời gian mà không ít nhà đầu tư chạnh lòng nghĩ về thân phận “ông chủ” của mình.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Cuối 2015, giá trị các dự án FLC có thể đạt 1,3 tỷ USD
Trực tiếp: Đại hội đồng cổ đông CTCP Khoáng sản FECON
Thị trường chờ thông tin từ mùa Đại hội cổ đông
Cổ đông ngân hàng nín thở chờ đại hội
Nhà đầu tư bận rộn mùa đại hội cổ đông

Các cuộc họp đại hội đồng cổ đông gần như là cơ hội duy nhất để các “ông chủ” có cơ hội gặp gỡ và bày tỏ chính kiến với những “người làm thuê” - là Ban Quản trị và Ban Điều hành công ty. Vậy nhưng, ngay cả cái quyền mà cả năm, các “ông chủ”û mới dùng một lần này không phải lúc nào cũng được coi trọng bởi việc doanh nghiệp quên cả những trách nhiệm cơ bản nhất đối với cổ đông dường như đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.

Trên thực tế, nhiều “ông chủ” đã vô cùng bế tắc khi cần thông tin về doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định

Theo số liệu tổng hợp của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS), trong mùa họp đại hội đồng cổ đông năm ngoái, có gần một nửa số doanh nghiệp niêm yết cập nhật không đầy đủ trên website các tài liệu về đại hội.

Cụ thể, trong năm 2014, FPTS đã tiến hành khảo sát 354 doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và 270 doanh nghiệp tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) về tình hình thực hiện công bố thông tin tại các doanh nghiệp này.

Kết quả cho thấy, chỉ có 175 doanh nghiệp trên HNX công bố thư mời họp Đại hội đồng cổ đông, 196 doanh nghiệp có đăng chương trình họp và các tài liệu liên quan trên website công ty. Trong khi đó, tại HOSE chỉ có 146 doanh nghiệp công bố thư mời họp và 164 doanh nghiệp đăng tải chương trình họp và các tài liệu.

Đây chưa là con số thống kê đầy đủ do số doanh nghiệp nằm trong khảo sát của FPTS chưa bao gồm doanh nghiệp mới niêm yết cuối năm 2014 và những doanh nghiệp FPTS không thu thập được thông tin, nhưng số liệu này cũng cho thấy chất lượng quan hệ cổ đông trong các công ty đại chúng còn quá nhiều bất cập.

Trên thực tế, nhiều “ông chủ” đã vô cùng bế tắc khi cần thông tin về doanh nghiệp, nhưng không thể tìm kiếm ở đâu, gọi điện đến công ty thì lãnh đạo luôn bận và cũng không có người có trách nhiệm đứng ra trả lời. Ngay cả nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, bà Vũ Thị Kim Liên (nay là Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty HNX, cũng đã từng than phiền rằng, một trong những vấn đề nổi cộm nhất thời gian qua là việc bảo vệ quyền cổ đông, đặc biệt là cổ đông thiểu số.

Báo cáo Đánh giá môi trường kinh doanh năm 2015 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cũng cho thấy, chỉ số về bảo vệ nhà đầu tư thiểu số của Việt Nam đã bị thụt lùi 2 bậc so với năm 2014, ở thứ hạng 117. Theo đó, tất cả các chỉ số đánh giá về mức độ bảo vệ nhà đầu tư thiểu số đều có mức điểm thấp. Đáng nói là điểm về độ mạnh chỉ số bảo vệ nhà đầu tư thiểu số chỉ đạt 5,7/10 điểm, phạm vi chỉ số quản trị cổ đông đạt 4,7/10 điểm và phạm vi chỉ số quy định về mâu thuẫn lợi ích chỉ đạt 3,7/10 điểm...

Đáng nói là, chỉ số về bảo vệ nhà đầu tư thiểu số chính là 1 trong 10 tiêu chí để WB đánh giá về môi trường kinh doanh mỗi quốc gia. Vì vậy, các điểm số khiêm tốn về chỉ số bảo vệ nhà đầu tư đã đóng góp đáng kể vào sự tụt hạng của Chỉ số Xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi (năm 2015 Việt Nam tụt 6 bậc, từ 72 xuống 78).

Các con số trên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng, hiện trạng “thấp cổ bé họng” của các cổ đông nhỏ lẻ trong các công ty đại chúng không còn là chuyện riêng của từng doanh nghiệp, mà đang trở thành vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thực tế thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực để cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cần ý thức đầy đủ và nghiêm túc trong việc nâng cao kỹ năng quản trị, minh bạch thông tin, tôn trọng quyền cổ đông... Như vậy, thể chế mới có tính thực thi, qua đó mới tạo sức bật cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác