Trong đó, nhấn mạnh khu vực này có dân số gần 18 triệu người, có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Thế mạnh của ĐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng và nguồn lực phát triển, với mức đóng góp khoảng 22% GDP của cả nước. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất Việt Nam, tính đến cuối năm 2012, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 8 tỷ USD và nhập khẩu hơn 3 tỷ USD…
| ||
Nhiều DN Nhật Bản quan tâm tới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long |
Sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư lần này có đại diện hơn 70 DN Nhật Bản, do ông Kohei Watanabe, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Mê Kông – Nhật Bản (thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Nhật Bản) dẫn đầu.
Các DN của Nhật mong muốn tìm hiểu về cơ hội đầu tư vào khu vực ĐBSCL đồng thời là dịp để các cơ quan quản lý, các DN của các địa phương biết được những lĩnh vực đầu tư và những vấn đề mà DN Nhật quan tâm.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng, PGĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ nêu vấn đề, Cần Thơ là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, thủy hải sản, thương mại dịch vụ…
Vậy, các DN Nhật có đầu tư vào lĩnh vực này và sản phẩm này sang thị trường Nhật cần quan tâm đến những điều gì?
Ông Kohei Watanabe cho biết, thị trường Nhật luôn “mở cửa” đối với hàng nông thủy sản, nhất là các sản phẩm từ tôm ở khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu và quy chuẩn này ở Nhật là khá khắt khe. Đồng thời các DN Nhật cũng khá quan tâm đầu tư vào lĩnh vực xuất khẩu hàng nông thủy sản.
Trong khi đó, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre nêu câu hỏi, nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khi quyết định đầu tư thường quan tâm đến một số vấn đề, như hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, vùng nguyên liệu bảo đảm… Vậy, các DN Nhật quan tâm điều gì nhất?
Đại diện một DN Nhật đã đầu tư dự án trong lĩnh vực gia công, lắp linh kiện ô tô ở Việt Nam cho rằng, khi cân nhắc đầu tư ở một địa bàn mới, điều mà họ quan tâm nhất chính là công tác xử lý nước thải, bởi dự án có liên quan đến hóa chất nên quy chuẩn về xử lý nước thải là rất nghiêm ngặt. Ngoài ra, các vấn đề như giá thuê đất, nguồn nhân lực, công tác an ninh trật tự… cũng được các DN Nhật quan tâm.
Trả lời câu hỏi về đầu tư cảng, một vấn đề còn yếu và thiếu để đẩy mạnh lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa ở khu vực ĐBSCL, ông Kohei Watanabe cho biết, các nhà đầu tư Nhật cũng rất quan tâm đến lĩnh vực này. Đồng thời, các DN của Nhật cũng có kinh nghiệm về vấn đề xử lý chất thải, nước thải nên khi một DN Nhật quyết định đầu tư thường sẽ chọn một đối tác khác của Nhật Bản để thực hiện công việc này…
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì sau hội nghị này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản dự kiến có đoàn khảo sát tại khu vực ĐBSCL và tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long từ 25-28/11 tới.
Với chủ đề “ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh” gồm nhiều sự kiện, trong đó sự kiện quan trọng là Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội vùng ĐBSCL, là dịp để các nhà đầu tư Nhật tìm kiếm cơ hội và có những thỏa thuận hợp tác đầu tư với khu vực ĐBSCL.
Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đại diện cho cả vùng ĐBSCL sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác với Ủy ban hợp tác kinh tế Mê Kông - Nhật Bản, trên cơ sở biên bản thỏa thuận hợp tác hai bên sẽ triển khai những công việc cụ thể tiếp theo.
“Khả năng là trong năm 2014, Đại sứ quán sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Đoàn xúc tiến đầu tư gồm lãnh đạo các địa phương, các DN khu vực ĐBSCL đến Nhật Bản”, ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết.
Hồng Sơn