Kích hoạt nội lực
Địa lý phân chia hai khu vực rõ ràng, nhưng không thể tách được mối quan hệ tương hỗ giữa khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên: Tây Nguyên được đánh giá là hậu phương vững chắc cho vùng đồng bằng duyên hải, còn vùng duyên hải như là cánh cửa để Tây Nguyên vươn ra thế giới. Điểm tương đồng của hai khu vực trên đã được khẳng định tại nhiều hội nghị quan trọng vùng chính là điều kiện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, trong đó, nổi bật là hạ tầng hỗ trợ phát triển chưa đủ lực để kích hoạt nội lực của vùng.
Liên kết là yếu tố rất quan trọng đối với chiến lược quy hoạch và phát triển hạ tầng miền Trung. Trong ảnh: Cầu Trần Thị Lý bắc qua sông Hàn (Đà Nẵng) |
Tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ 2 diễn ra tại Đà Nẵng vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã gợi ý 4 vấn đề quan trọng nhất để Diễn đàn thảo luận, góp ý cho Chính phủ ra quyết sách xoá bỏ hình ảnh miền Trung tươi đẹp nhưng vẫn nghèo. Trong đó, Phó thủ tướng cho rằng, hạ tầng của vùng mới tập trung vào trục Bắc - Nam, nhưng cũng chưa hoàn chỉnh. Nếu không tận dụng kết nối Bắc - Nam với Đông - Tây (các nước trong tiểu vùng sông Mekong) thì có nhiều bất lợi, đặc biệt là dải đất miền Trung trải dài và rất hẹp.
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, đây là khu vực “mặt tiền của đất nước”, có “vai trò quan trọng nhất trong phát triển kinh tế biển”, rất giàu tiềm năng phát triển, nhưng còn nghèo. Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc liên kết vùng, phát huy các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương vì lợi ích chung của cả vùng, cả nước và tìm ra phương thức phân bổ lợi ích cho từng địa phương trong vùng.
Nhiều thuận lợi
TS. Trần Du Lịch, thành viên Nhóm Tư vấn kinh tế Chính phủ cho rằng, đến thời điểm hiện nay, vùng duyên hải miền Trung có nhiều thuận lợi về hạ tầng, trong đó, khu vực này có 30 trường đại học, 34 trường cao đẳng và 26 trường trung cấp chuyên nghiệp. Điều này chứng tỏ nguồn nhân lực khu vực rất dồi dào, vấn đề đặt ra là sử dụng nguôn nhân lực này như thế nào.
Về hạ tầng phát triển kinh tế, ông Lịch cho biết, 9 tỉnh duyên hải miền Trung hiện nay có tới 6 khu kinh tế và 54 khu công nghiệp. Hạ tầng kỹ thuật khu vực cũng khá ổn định với 6 sân bay, 13 cảng biển (7 cảng loại 1), 14 tuyến quốc lộ, đường sắt Bắc - Nam chạy qua, phân bổ đều ở các địa phương, kết nối các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng. Đây có thể xem là điều kiện khởi đầu khá thuận lợi cho khu vực này phát triển. Tuy nhiên, chất lượng của hệ thống này đủ mạnh để đưa kinh tế vùng bứt phá hay chưa là chuyện khác.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, miền Trung dựa nhiều vào tuyến huyết mạch Quốc lộ 1A, đã được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn. Đặc biệt, tuyến hầm đường bộ qua đèo Cả đã đưa vào sử dụng, đã khai thông sự kết nối giao thương, hỗ trợ kinh tế vùng phát triển mạnh trong những năm đến.
Tuy nhiên, xét về lâu dài, với mật độ giao thông ngày càng tăng, việc phụ thuộc quá nhiều vào tuyến Quốc lộ 1A sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến phát triển kinh tế lâu dài. Các địa phương kỳ vọng, việc đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam sớm đồng bộ sẽ giải phóng áp lực lên tuyến Quốc lộ 1A, hỗ trợ kinh tế phát triển.
Tuyến đường sắt có chiều dài lên đến 880 km, nhưng cơ sở vật chất và phương tiện tại các nhà ga chưa được đầu tư đồng bộ, nên hiệu quả vẫn chưa cao. Đối với hệ thống sân bay, dù có đến 6 sân bay đang đưa vào khai thác, nhưng chỉ có sân bay Đà Nẵng và sân bay Cam Ranh có thể tiếp nhận những loại máy bay lớn và mở đường bay quốc tế. Các sân bay còn lại có tần suất khai thác khá thưa, chủ yếu phục vụ kết nối với hai đầu Hà Nội và TP.HCM, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động thương mại, du lịch và thu hút đầu tư khu vực.
Xét về số lượng, rõ ràng, hạ tầng tại miền Trung khá ổn định, nhưng hệ thống hạ tầng khu vực vẫn còn nhiều bất lợi. Ông Lịch chỉ ra rằng, khu vực này có lãnh thổ trải dài và địa hình phức tạp nên cản trở tổ chức không gian kinh tế - xã hội phát triển, nhất là kết nối giao thông đường bộ. Hạ tầng kinh tế còn yếu kém, xã hội còn thiếu, chưa đồng bộ. Khu vực này cũng chưa có hệ thống giao thông đường bộ nào hiện đại, nhất là tuyến cao tốc.
“So với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phía Bắc, khu vực miền Trung kém lợi thế hơn về môi trường đầu tư. Đặc biệt, khu vực này còn thiếu liên kết trong phát triển, mà đây là điều rất quan trọng đối với chiến lược quy hoạch và phát triển hạ tầng”, ông Lịch nói.
Liên kết phát triển
Với Tây Nguyên, đây là khu vực đang được Chính phủ rất quan tâm, điều kiện hạ tầng đã được cải thiện đáng kể trong những năm qua. Đến nay, hàng trăm công trình thủy lợi được đầu tư, giao thông được cải thiện với 3 sân bay được nâng cấp, 13 tuyến quốc lộ và 57 tuyến tỉnh lộ được đầu tư…, đã góp phần đáng kể đưa kinh tế Tây Nguyên phát triển.
Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cơ sở hạ tầng hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh về kinh tế, mạng lưới giao thông tỉnh lộ và quốc lộ tuy đã hình thành nhưng chưa được cải tạo, nâng cấp. Điều này hạn chế việc giao thương hàng hóa, chưa phát huy được sự liên kết phát triển giữa các vùng miền có điều kiện phát triển hơn để thu hút đầu tư.
Chính các địa phương vùng duyên hải cũng nhận ra vai trò quan trọng của việc liên kết phát triển với Tây Nguyên. Theo ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, hệ thống cảng biển ở vùng hạ lưu có phát huy hết công suất hay không phụ thuộc vào các dòng hàng từ Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia qua các cửa khẩu. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả kinh tế và các hệ thống hạ tầng vùng ven biển được phát huy, thì nhất thiết phải nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 19 nối Bình Định với Tây Nguyên, hay Quốc lộ 25 (Phú Yên - Tây Nguyên)…
Thế mạnh lớn nhất của khu vực miền Trung vẫn là biển. Lợi thế này không chỉ giúp các địa phương phát triển hệ thống cảng biển để vươn mình ra thế giới bên ngoài, mà còn giúp các địa phương phát triển mạnh ngành dịch vụ du lịch. Để du lịch thật sự bứt phá, điều cần thiết hiện nay là nhanh chóng đầu tư tuyến đường ven biển quốc gia. Tuyến đường này kết hợp với hệ thống sân bay, cảng biển sẽ là lợi thế lớn để ngành công nghiệp không khói này phát triển.
Đơn cử như Đà Nẵng, không ngẫu nhiên mà thành phố này chủ trương kiến nghị nâng cấp cảng biển Tiên Sa, đề xuất đầu tư cảng Liên Chiểu, hay đầu tư hàng loạt chiếc cầu hiện đại bắc qua sông Hàn sau khi hoàn tất đầu tư tuyến đường ven biển qua địa phương. Khi tuyến đường này hình thành, hàng loạt dự án nghỉ dưỡng cao cấp mọc lên, lượng du khách trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng tăng nhanh đòi hỏi hệ thống hạ tầng hỗ trợ như cảng biển, sân bay, cầu đường… phải phát triển tương xứng…