Ngày 29/6, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam cho Công ty TNHH Nam Tiến.
Dự án có địa điểm đầu tư tại xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị với mục tiêu giảm áp lực thông quan hàng hoá tại Cửa khẩu quốc tế La Lay, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Quốc lộ 15D.
Về quy mô, dự án có diện tích đất dự kiến sử dụng 23,82 ha. Công suất thiết kế dự án 30 triệu tấn/năm. Trong đó giai đoạn 1 có công suất 15 triệu tấn/ năm.
Băng chuyền than đá. Ảnh minh hoạ |
Về quy mô kiến trúc xây dựng, tuyến băng tải vận chuyển than có tổng chiều dài 6.115 m được kết nối vào đoạn băng tải thuộc phạm vi nước bạn Lào, đi qua đường biên giới Việt Nam - Lào.
Dự án sẽ đầu tư đầy đủ hoàn thiện hệ thống, dây chuyền công nghệ từ khâu tiếp nhận than tại vị trí: Điểm đầu tuyến tại đường biên giới Việt Nam - Lào đến trạm chuyển tải TKB2 (phía Việt Nam), điểm cuối tuyến tại kho bãi hàng hóa phía Việt Nam (thôn A Đeng, xã ANgo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị).
Toàn tuyến này được chia thành 7 đoạn và 7 trạm chuyển tải và các công trình phục vụ gồm: Các trạm chuyển tải, trạm biến áp và đường dây; hệ thống cung cấp điện, điều khiển; hệ thống cung cấp nước; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống kiểm soát người và hàng hóa thẩm lậu; hệ thống PCCC; hệ thống camera giám sát...
Về phân kỳ đầu tư các hạng mục dự án, trong giai đoạn 1 (dự kiến đầu tư năm 2024), sẽ đầu tư tuyến băng tải có tổng năng suất vận chuyển 3.000 tấn/h (tương đương 15 triệu tấn/năm). Tuyến băng tải được bố trí gồm 2 băng tải công suất mỗi băng là 1.500 tấn/h nằm song song trên hệ thống cột, dàn, cầu đỡ chung.
Giai đoạn 2 (dự kiến đầu tư năm 2030), dự án sẽ đầu tư bổ sung tuyến băng tải có tổng năng suất vận chuyển 3.000 tấn/h (tương đương 15 triệu tấn/năm), chạy song song và sát với tuyến băng tải giai đoạn 1.
Về tiến độ, trong giai đoạn 1, dự án dự kiến sẽ khởi công vào quý III/2025; lắp đặt thiết bị và các hạng mục công trình phụ trợ khác vào quý IV/2026. Đến quý I/2027, dự án được tổ chức nghiệm thu đưa vào hoạt động.
Trong giai đoạn 2, dự án dự kiến sẽ khởi công trong quý II/2030; lắp đặt thiết bị và các hạng mục công trình phụ trợ khác trong quý II/2031 và nghiệm thu đưa vào hoạt động trong quý IV/2031.
Dự án có tổng vốn đầu tư 1.489,27 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu 297,85 tỷ đồng, chiếm 20% giá trị tổng mức đầu tư dự án; vốn vay từ các ngân hàng thương mại: 1.191,41 tỷ đồng, chiếm 80% giá trị tổng mức đầu tư. Thời gian hoạt động của dự án là 30 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Nam Tiến có địa chỉ trụ sở tại Tổ 1, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Doanh nghiệp được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 22/03/2006, cấp thay đổi lần thứ 12 ngày 7/6/2024; vốn điều lệ 165 tỷ đồng, do ông Phan Thế Nam (SN 1973, trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm người đại diện pháp luật.
Được biết, trong những năm gần đây, hoạt động nhập khẩu than từ Lào về Việt Nam diễn ra rất sôi động. Về phía Lào, hiện nay, Tập đoàn Phonesack (Lào) đang là chủ dự án tại mỏ than Kaleum, tỉnh Xê Kông có trữ lượng gần 1 tỷ tấn, cách cửa khẩu quốc tế La Lay khoảng 118 km. Do đó, việc vận chuyển qua cửa khẩu La Lay là tuyến đường ngắn nhất về các cảng biển tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Theo hợp đồng của các công ty vận tải Việt Nam như Tập đoàn Hoành Sơn, Công ty TNHH Nam Tiến, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hải Dương... với Tập đoàn Phonesack, việc nhập khẩu than về Việt Nam có thời hạn lên đến 10 năm với tổng khối lượng trên 50 triệu tấn.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá, mặc dù nhu cầu nhập khẩu than từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế La Lay đang tăng cao. Tuy nhiên, việc nhập khẩu than bằng đường bộ qua cửa khẩu quốc tế La Lay đang gặp nhiều khó khăn, sản lượng vẫn còn thấp (1,2-2 triệu tấn/năm).
Nguyên nhân do kết cấu hạ tầng cửa khẩu La Lay chưa đồng bộ, chưa có bãi tập kết, bãi hạ tải, nên các phương tiện không có bãi đỗ, phải xếp hàng dài dọc khu vực cửa khẩu để làm thủ tục xuất nhập cảnh, thông quan hàng hóa, gây ùn tắc giao thông trầm trọng. Ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động khác trong khu vực cửa khẩu.
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu than đá qua cửa khẩu La Lay về các cảng trong khu vực (cảng Cửa Việt, cảng Chân Mây, cảng Thuận An) hiện nay đang thực hiện bằng ô tô với khả năng thông quan chỉ đạt khoảng 1,2 đến 2 triệu tấn/năm. Sản lượng vận chuyển bằng hình thức này là tương đối thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước.
Mặt khác, Quốc lộ 15D (đoạn từ cửa khẩu quốc tế La Lay về đường Hồ Chí Minh nhánh Tây) có mặt đường hẹp, địa hình đồi núi hiểm trở, nhiều khúc cua, đèo dốc, thường xuyên bị sạt trượt, và đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, các xe chở than hầu như là xe có trọng tải lớn, di chuyển chậm khiến việc vận chuyển bằng ô tô không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Vì vậy, việc nhà đầu tư đề xuất giải pháp xây dựng dự án băng tải vận chuyển than dạng kín từ bãi tập kết phía Lào qua biên giới tới bãi tập kết tại Việt Nam là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề khó khăn và tăng khối lượng và khả năng vận chuyển than.