Thời sự
Chất lượng tôm giống kém: Dân chịu phận "chỉ mành treo chuông"
Ngọc Tuấn - 11/04/2016 12:00
Ngành tôm vừa trải qua một năm khó khăn, kim ngạch xuất khẩu giảm 25%, là mức sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử. Sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam yếu đi trông thấy trên thị trường xuất khẩu.

“Treo” ao vì nợ nần

Đã bước vào niên vụ mới được vài tuần, nhưng nhiều hộ nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải “treo” ao do thua lỗ, dịch bệnh và giá thành nuôi cao “hớt” hết lợi nhuận.

Chất lượng tôm giống kém nên tỷ lệ chết cao trong quá trình sinh trưởng

Ông Lê Văn Phúc, ngụ tại cù lao Đất, xã An Hiệp (huyện huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) cho biết, năm ngoái gia đình ông thả 3 ao tôm, diện tích hơn 5.000 m2, nhưng do tôm giống sức đề kháng yếu, phần chết sớm, phần chậm lớn nên lỗ hơn 100 triệu đồng. Gia đình ông Phúc vẫn được coi là may vì lỗ không nhiều, “năm ngoái, tỷ lệ người dân nuôi tôm thành công ít, đa phần là thất bại. Số hộ dân thua lỗ vài trăm triệu đồng nhiều lắm, cá biệt có hộ lỗ gần 700 triệu đồng. Nhiều người dân phải vay tín dụng đen nặng lãi để trả ngân hàng”, ông Phúc nói.

Cũng theo ông Phúc, một phần nguyên nhân do môi trường nuôi tôm ngày càng ô nhiễm, nhưng lý do chính vẫn do chất lượng tôm giống kém chất lượng.

Ông Bảy Biển, một hộ dân nuôi tôm kỳ cựu tại ấp Thốt Lốt, xã Long Vĩnh (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) bức xúc: Các công ty sản xuất, kinh doanh tôm giống thiếu lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Chính vì họ cung cấp giống tôm kém chất lượng mà nông dân thua lỗ. Nếu sau khi thả vài ngày mà tôm chết ngay thì chỉ lỗ chút đỉnh tiền giống, nhưng rất nhiều trường hợp dân nuôi 2 - 3 tháng nhưng tôm chậm lớn, bệnh tật và chết, gây thiệt hại rất lớn.

Dân nuôi tôm như ngồi trên đống lửa, các mắt xích khác trong chuỗi cung ứng cũng ngao ngán vì không bán được hàng cho người nuôi tôm. Ông Nguyễn Văn Phương, một đại lý bán tôm giống và thức ăn chăn nuôi tại xã An Hòa Tây (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) than thở, sau một năm nuôi tôm thất bại, năm nay nông dân không dám nuôi nữa vì không còn tiền đầu tư, khiến cho đại lý bán giống không được. “Nếu năm trước, mỗi tháng đại lý tôi bán 5 triệu con tôm giống, năm nay bán không nổi 1 triệu con. Hơn 20 đại lý tôm giống tại huyện Ba Tri này cũng trong tình cảnh tương tự”, ông Phương cho biết.

Tính trung bình mỗi ao nuôi tôm lỗ 50 - 70 triệu đồng/vụ. Hiện giờ dân nuôi tôm nợ ngân hàng nhiều, khiến ngân hàng không duyệt cho vay nuôi tôm vì rủi ro cao. Hệ lụy là người dân rơi vào vòng luẩn quẩn không còn nguồn lực tái đầu tư và gánh cục nợ lãi mẹ đẻ lãi con.

Mạnh tay kiểm soát tôm giống

Tình trạng chất lượng tôm giống “vàng thau lẫn lộn” không chỉ là nỗi bức xúc của người dân nuôi tôm, mà còn là bức xúc của các doanh nghiệp sản xuất tôm giống làm ăn chân chính.

Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Hiệp hội Tôm tỉnh Bình Thuận, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất tôm giống đã bày tỏ lo ngại về công tác quản lý chất lượng mặt hàng này. Lãnh đạo Hiệp hội cho biết, để bảo vệ chất lượng, thương hiệu tôm giống, các doanh nghiệp đã kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động sản xuất và thương mại để kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng nhiễu nhương hiện nay.

Theo một chuyên gia của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, thì khâu sản xuất tôm giống phải phát triển theo hướng công nghệ cao, hiệu quả và bền vững. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp chặn đứng tình trạng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tôm giống được đẻ ra từ tôm bố mẹ không có nguồn gốc xuất xứ đang diễn ra phổ biến. Tình trạng tôm giống giả, kém chất lượng, cũng như tình trạng gia hoá chọn tạo tôm bố mẹ chưa được giám sát chặt chẽ, đúng với điều kiện sinh học cho phép.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất, cần giải quyết cấp bách 3 vấn đề để cứu ngành tôm. Một là, nhận dạng thương hiệu. Theo đó, mỗi cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tôm giống chỉ được đăng ký một thương hiệu. Bởi đang tồn tại tình trạng một cơ sở sản xuất đăng ký nhiều thương hiệu và có hiện tượng một doanh nghiệp hôm nay dán thương hiệu này bán cho bà con, ngày mai lại dán thương hiệu khác để bán. Điều đáng nói các đơn vị đó không có trại sản xuất, mà chỉ đi thu gom tôm giống rồi bán, nên chất lượng khó kiểm soát.

Hai là, quản lý tôm bố mẹ. Cơ quan quản lý nhà nước cần quy định bắt buộc các doanh nghiệp công bố số lượng định kỳ. Theo đó, công khai minh bạch số lượng, nguồn gốc tôm bố mẹ nhập khẩu và tôm bố mẹ nội địa, để người dân nuôi tôm dễ dàng lựa chọn tôm giống có nguồn gốc phù hợp.

Ba là, cơ sở sản xuất phải công bố chất lượng và nhãn mác bao bì đầy đủ thông tin như tên công ty, cơ sở sản xuất, địa chỉ, số điện thoại, nguồn gốc tôm bố mẹ nhập khẩu hoặc tôm gia hóa.

Tin liên quan
Tin khác