Viễn thông - Công nghệ
ChatGPT mở cơ hội cho ngành công nghiệp AI
Hữu Tuấn - 25/02/2023 12:34
ChatGPT mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều lĩnh vực mà Việt Nam đang có thế mạnh như dịch vụ phần mềm, lợi thế về nhân sự và thị trường rộng lớn.
Các sản phẩm ứng dụng công nghệ AI nói chung tại Việt Nam sẽ ngày càng đi sâu vào cuộc sống

Cơ hội ở khắp mọi nơi

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, ChatGPT tạo ra thay đổi đột phá trong nhiều ngành nghề. Dù không tạo ra được nhiều công nghệ lõi quan trọng, nhưng Việt Nam là nơi sử dụng, ứng dụng rất nhanh. Vì thế, rất có thể trong năm nay, sẽ có nhiều ứng dụng có tính chất “thay đổi cuộc chơi” tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel Cyberspace), cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam là dùng công nghệ lõi AI của các “ông lớn” để đi vào thị trường ngách. Những công ty siêu quy mô sẽ không thể giải quyết các bài toán cụ thể, theo phạm vi hẹp, mang tính địa phương hóa.

“Đây là cơ hội cho các công ty Việt Nam có thể hợp tác với Big Tech để phát triển. Lợi thế của chúng ta là có dữ liệu địa phương, nên tận dụng điều đó để hợp tác và hơn hết là tránh bị xâm chiếm về mặt công nghệ. Các công ty AI của Việt Nam nên tham gia một số lĩnh vực hẹp của AI, như thị giác máy tính, camera thông minh, chatbot, gợi ý sản phẩm trong thương mại điện tử hoặc bài toán liên quan tới việc tạo ra nội dung”, ông Quý khuyến nghị.

Theo ông Quý, Viettel đang tập trung nghiên cứu phát triển AI với 3 lĩnh vực chính là xử lý tiếng nói và ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính và phân tích dữ liệu. Ngoài ra, Viettel còn phát triển thêm Robotic và Digital Twin (bản sao số).

Ông Đặng Thái Hòa, Phó tổng giám đốc Rikkeisoft cho rằng, một dòng sản phẩm AI của Việt Nam có thể cạnh tranh được là chatbot. Các lĩnh vực tiếp thị, thanh toán, xử lý dịch vụ khách hàng là những lĩnh vực chatbot phát huy khả năng mạnh mẽ nhất. Khi chatbot thể hiện được khả năng của mình bằng việc giúp các doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động, quy mô thị trường này có thể còn tiếp tục mở rộng.

Theo ông Hòa, ChatGPT chính thức được hỗ trợ tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của công nghệ, nhu cầu về các dịch vụ 24/7/365 của khách hàng sẽ ngày càng tăng cao. Điều này trực tiếp thúc đẩy các công ty nhanh chóng chuyển đổi, phát triển chatbot và trợ lý ảo nhằm phục vụ khách hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. 

“Các sản phẩm ứng dụng công nghệ AI nói chung tại Việt Nam sẽ ngày càng đi sâu vào cuộc sống của người dân, như trợ lý giọng nói, phân tích hình ảnh trong y tế, giao thông. Tiềm năng, dư địa để đưa sản phẩm AI vào thực tiễn là rất dồi dào”, ông Hòa nhận định.

Nhiều lĩnh vực ở Việt Nam như tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, y tế, giáo dục… đang có những ứng dụng AI ở các mức độ khác nhau. Nhưng với tác động của ChatGPT, ngành công nghiệp AI của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để cung cấp các sản phẩm mới ưu việt hơn, đồng thời trở thành đối tác với nhiều tập đoàn công nghệ, doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Có cần hành lang pháp lý cho ChatGPT và AI?

Cùng với làn sóng đầu tư, nghiên cứu và phát triển sản phẩm AI, ChatGPT cũng cho thấy các khiếm khuyết của AI, từ đó đặt ra vấn đề về việc cần một hành lang pháp lý cho AI. Một số quốc gia trên thế giới đã bắt đầu lo lắng về điều này.

Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Bkav nêu quan điểm, Chính phủ, các cơ quan quản lý cần định hướng để sử dụng AI là công cụ hiệu quả trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực. Các công cụ AI hiện nay mới bắt chước những công việc con người đã làm và chia sẻ với nhau. Nếu có định hướng đúng đắn để ứng dụng các công cụ đó một cách hợp lý, con người sẽ được giải phóng và chuyển sang những công việc sáng tạo hơn có sử dụng công cụ AI. Như vậy, xã hội ngày càng phát triển và đi lên một cách mạnh mẽ.

“Trong thời gian tới, cơ quản quản lý nhà nước cần có chính sách định hướng khuyến khích sử dụng AI, như ứng dụng công cụ tương tự ChatGPT vào biên tập bài viết. Song song với đó, Chính phủ cần ban hành chính sách, quy chế nhằm đảm bảo việc sử dụng công cụ AI đúng mục đích”, ông Quảng chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston, đi kèm với phát huy những ưu việt của ChatGPT và các trợ lý AI, Việt Nam cũng cần có luật pháp, định chế để quản trị, chế tài với những mặt trái, tiêu cực như: thông tin sai sự thật, thông tin bị bóp méo, góc nhìn thành kiến và sai lệch, quyền riêng tư bị xâm phạm...

“Liên minh toàn cầu về quản trị số (GADG) đã khởi xướng đối thoại cấp cao giữa các nhà lãnh đạo các nước/khu vực phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Ấn Độ... để xây dựng luật pháp và quy định nhằm giảm thiểu, chế ngự mặt trái, mặt xấu của ChatGPT và các trợ lý AI”, ông Tuấn Anh cho biết.

Ông Vũ Thanh Thắng, Giám đốc cấp cao về AI của Công ty SCS cho rằng, trước các sản phẩm có tính ảnh hưởng cao tới cộng đồng như ChatGPT, cơ quan quản lý cần bắt tay nghiên cứu ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của nó tới người dùng, từ đó có biện pháp để phát huy sự tích cực và giảm thiểu các tiêu cực.

“ChatGPT chỉ là một trong hàng ngàn công nghệ đang được cả thế giới phát triển, do đó dùng từ kiểm soát sẽ không thật chính xác. Chúng ta nên tập trung đánh giá ảnh hưởng của nó để có những biện pháp thích ứng sao cho có lợi nhất”, ông Thắng khuyến nghị.  

Về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình nhận xét, quản lý thế nào là bài toán thường xuyên lặp lại khi có những đột phá về công nghệ. Đây là vấn đề của nhiều quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Sự nóng lên của cộng đồng mạng về ChatGPT là một tín hiệu tốt để các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, tiếp cận phù hợp, nhằm chuẩn bị cho các chính sách quản lý và thúc đẩy phát triển.

“Chúng tôi tin rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cũng thường xuyên cập nhật tình hình và có những chuẩn bị phù hợp để thích ứng với sự thay đổi, ra đời của những công cụ, dịch vụ công nghệ đột phá và đến từ bên ngoài Việt Nam”, ông Bình chia sẻ.

Theo nghiên cứu của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC), trong năm 2023, chính phủ các nước trên thế giới và doanh nghiệp sẽ đầu tư đến 500 tỷ USD vào công nghệ AI. Thị trường AI toàn cầu năm nay cũng được dự đoán sẽ phát triển vượt mức 50 tỷ USD.

Theo Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022 do Tổ chức Oxford Insights (Anh) thực hiện, Việt Nam xếp hạng 55 toàn cầu, tăng 7 bậc so với năm 2021.

Theo Chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI nằm trong Top 4 của khu vực ASEAN và trong Top 50 của thế giới; xây dựng 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực và phát triển 3 trung tâm dữ liệu lớn và máy tính hiệu suất cao quốc gia.
Tin liên quan
Tin khác