Nhân viên y tế hôm 30/3 phun khử trùng chống Covid-19 tại khu vực Neuilly-Plaisance, gần thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: AFP |
Đây là giải pháp được ông Klaus Regling, giám đốc điều hành Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) đề cập trong bài phỏng vấn đăng tải trên tờ Corriere della Sera của Italy hôm nay 19/4.
Theo lãnh đạo ESM, cách dễ nhất để huy động các khoản hỗ trợ là thực hiện thông qua Ủy ban châu Âu (EC) và ngân sách EU. “Ở giai đoạn thứ 2, chúng tôi cần đến 500 tỷ EUR từ các tổ chức tài chính châu Âu, hoặc thậm chí còn hơn thế”, Regling nói.
“Chúng tôi đã bàn thảo về các cơ chế hỗ trợ mới trên tinh thần cởi mở, nhưng thống nhất sử dụng các cơ chế hiện có vì chúng dễ vận dụng hơn, đặc biệt là cơ chế huy động từ Ủy ban châu Âu và ngân sách EU. Việc huy động các nguồn quỹ song hành với EU cũng đang được xem xét”, người đứng đầu ESM cho biết.
Trước đó, các bộ trưởng tài chính EU hôm 9/4 đã nhất trí triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đối phó dịch Covid-19 với tổng trị giá 540 tỷ EUR.
Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế EU sẽ suy giảm 7,5% trong năm nay vì đại dịch, còn các bộ trưởng tài chính EU đều nhận thấy EU rất cần tiền để phục hồi kinh tế, nhưng họ lại bất đồng về mức tiền và cách thức huy động.
Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ nhóm họp trực tuyến trong tuần tới để bàn thảo các giải pháp cho nền kinh tế. Nhiều khả năng ý tưởng được đem ra thỏa hiệp sẽ liên quan đến việc Ủy ban châu Âu huy động vay tiền từ thị trường để đảm bảo an toàn của ngân sách EU dài hạn và dùng số tiền đó nhằm tạo hiệu ứng lớn hơn.