Giá khí đốt ở châu Âu tăng mạnh vào cuối tháng 4/2022 khi Gazprom thông báo ngừng cung cấp tới Ba Lan và Bulgaria. Ảnh: AFP |
Gazprom, tập đoàn năng lượng do nhà nước Nga hậu thuẫn, đã cắt giảm khoảng 60% dòng khí đốt đến châu Âu trong vài tuần qua, khiến Đức, Italia, Áo và Hà Lan phải cân nhắc quay trở lại sử dụng than để bù đắp nhu cầu nhiên liệu.
Động thái trên diễn ra khi châu Âu - nơi nhập khẩu khoảng 40% lượng khí đốt qua hệ thống đường ống của Nga - đang muốn nhanh chóng cắt giảm phụ thuộc vào nguồn cung hydrocacbon của Nga, nhằm phản ứng lại chiến dịch quân sự đặc biệt mà Moscow triển khai ở Ukraine từ cuối tháng 2/2022.
"Nga đang giảm dần nguồn cung cấp khí đốt, một số quốc gia gần như bị cắt nguồn cung tới 100%, còn những quốc gia khác bị cắt giảm 10 - 15%", ông Josep Borrel, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) cho biết.
"Tôi không nghĩ rằng họ (Nga) sẽ cắt giảm khí đốt ngay tức thời, đặc biệt là khi chúng ta đang bước vào mùa hè, bởi trong mùa hè, khí đốt không phải là một 'vũ khí' chiến lược. Nhưng mùa đông có thể khó khăn và chúng tôi phải chuẩn bị cho châu Âu", ông Josep Borrel nói thêm.
Về khả năng Nga ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel bình luận trên đài CNBC rằng: "Tôi hoàn toàn nhận thức được rằng họ có thể làm điều đó. Họ có thể làm vậy. Đó là lựa chọn của họ, sự lựa chọn tự nhiên. Họ có thể đóng hoặc mở (nguồn cung khí đốt - BTV)".
Thủ tướng Xavier Bettel cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tất cả 27 quốc gia thành viên EU nhất trí về cách tiếp cận đối với vấn đề Nga cắt giảm nguồn cung năng lượng. "Ở Moscow, một cá nhân có thể tự mình quyết định cắt giảm nguồn cung năng lượng cho châu Âu", ông Xavier Bettel lưu ý.
Mới đây, bà Roberta Metsola, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu cho biết tình hình hiện nay là đáng lo ngại. Theo Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, một số quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga hơn từ các quốc gia khác. Không chỉ trong ngắn và trung hạn, chúng tôi cần phải tìm ra giải pháp cho vấn đề đó.
Trong khi đó, Italia đã kiến nghị tổ chức một cuộc họp cấp EU ngay trong tháng tới để thảo luận thêm về tình hình năng lượng và kinh tế của khối này, đài CNBC dẫn lời ba quan chức giấu tên của EU cho biết.
Dòng khí từ Nga sụt giảm đã khiến EU ngày càng lo ngại nguy cơ sắp phải đối mặt với một giai đoạn kinh tế khó khăn. Các nhà phân tích tại Ngân hàng Berenberg (Đức) cho rằng, so với Mỹ, nền kinh tế khu vực Eurozone sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi cú sốc giá năng lượng. "Chúng tôi dự báo Eurozone sẽ bước vào suy thoái trước Mỹ", các chuyên gia Berenberg lưu ý.
Các nhà lãnh đạo EU cho đến nay vẫn từ chối đề cập đến khả năng xảy ra suy thoái hoặc một cuộc khủng hoảng kinh tế mới, nhưng họ thừa nhận rằng "mùa đông tới sẽ rất phức tạp".
Phát biểu trên đài CNBC mới đây, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết bà sẵn sàng cho cuộc gặp các nhà lãnh đạo EU vào tháng tới, nếu khối này có thể công bố các bước để đương đầu với các áp lực kinh tế.
"Chúng tôi chắc chắn rơi vào trong tình trạng kinh tế khó khăn với lạm phát, thiếu khí đốt và điện", bà Magdalena Andersson nói.
Còn bà Roberta Metsola, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu dự đoán: "Vài tháng tới sẽ rất khó khăn và chúng tôi lo ngại rằng chúng tôi sẽ phải đối mặt với một mùa đông tốn kém và khó khăn, ở góc độ năng lượng".