Thời sự
Châu Đốc - “quán quân” trong phát triển du lịch vùng ĐBSCL
Hưng Phú - 24/11/2016 08:24
Hàng năm đón tiếp trên 4 triệu lượt khách tham quan du lịch, Châu Đốc (An Giang) đang là “quán quân” của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thu hút du lịch.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn

TP. Châu Đốc có 7 đơn vị hành chính, gồm 5 phường và 2 xã, với tổng diện tích tự nhiên 10.529 ha, dân số khoảng 150.000 người.

Với vị trí "tiền tam giang, hậu thất sơn hùng vĩ", Châu Đốc có đến 6 di tích cấp quốc gia: Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, Chùa Phước Điền, Chùa Tây An, Lăng Ông Thoại Ngọc Hầu, Đình Thần Châu Phú và Đình Thần Vĩnh Ngươn, cùng nhiều danh thắng nổi tiếng khác như Ngã ba sông Châu Đốc, kênh Vĩnh Tế, Pháo đài Núi Sam…

Phối cảnh Dự án Công viên Văn hóa Núi Sam (TP. Châu Đốc)

Đặc biệt, năm 2015, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là lễ hội văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để địa phương đẩy mạnh khai thác du lịch.

Xác định du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, có thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Châu Đốc đã tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch. Địa phương đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch Khu du lịch Núi Sam, Khu du lịch sinh thái bãi bồi Vĩnh Mỹ.

Phát huy thế mạnh du lịch tâm linh, địa phương đã tiến hành rà soát, thống kê đưa vào quản lý nhiều khu di tích, nơi thờ tự để có kế hoạch trùng tu, tôn tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của du khách.

Bên cạnh đó, địa phương đã tập trung đầu tư, cải thiện cảnh quan, môi trường, tăng cường quản lý, bảo đảm an ninh trật tự, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh... Thành phố xây dựng “Điểm thông tin và hỗ trợ khách du lịch” nhằm kịp thời hỗ trợ thông tin, giải quyết các yêu cầu, kiến nghị cần thiết, chính đáng cũng như ghi nhận góp ý của du khách về những hạn chế trong hoạt động du lịch của địa phương, nhằm nâng cao chất lượng thương mại, dịch vụ, du lịch.

Cùng với việc thực hiện Đề án Nâng cấp Khu du lịch Núi Sam lên cấp quốc gia, địa phương đang triển khai Dự án Công viên Văn hóa Núi Sam. Dự án này đang được khởi công xây dựng các công trình như Tượng Phật Thích Ca ngồi thiền cao 81 m, Khu trưng bày hiện vật Phật giáo Việt Nam, kết cấu hạ tầng kỹ thuật... với quy mô mang tầm vóc quốc tế.

Các giá trị văn hóa, tinh thần và lịch sử khai mở vùng đất Châu Đốc là những sản phẩm lao động sáng tạo, văn hóa đặc trưng, thắm đượm hình ảnh con người với tự nhiên.

Với vị trí quan trọng, Châu Đốc không những có thế mạnh về kinh tế biên mậu, mà còn là điểm sáng trong thu hút khách du lịch, với lượng du khách tăng dần qua từng năm. Liên tục từ năm 2013 đến nay, lượng du khách đến địa phương đều đạt trên 4 triệu lượt khách/năm, bằng 1/5 lượng du khách đến với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong 10 tháng năm 2016, địa phương đã đón trên 4 triệu lượt du khách, dự kiến cả năm đạt trên 4,5 triệu lượt khách, với doanh thu dự kiến đạt trên 5.000 tỷ đồng.

Nhiều lợi thế thu hút đầu tư

TP. Châu Đốc là đô thị loại II trực thuộc tỉnh, có 16 km biên giới giáp với Campuchia. Với 4 cửa khẩu quốc tế và quốc gia, gồm: Tịnh Biên, Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu), Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú), Châu Đốc là cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh An Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Campuchia và các nước Đông Nam Á cả bằng đường bộ lẫn đường thủy.

Châu Đốc không chỉ nổi danh với vẻ đẹp của dãy Thất Sơn hùng vĩ, mà còn được biết đến là thành phố thơ mộng bên dòng sông Hậu - một nhánh của sông Mekong - nên còn có thế mạnh về du lịch sông nước, khám phá mùa nước nổi sông Mekong.

Định hướng phấn đấu của Châu Đốc là đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.

Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian tới, Châu Đốc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, hạ tầng đô thị và nguồn nhân lực cho phát triển du lịch. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển du lịch Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hoàn thành các thủ tục, hồ sơ pháp lý công nhận Khu du lịch Núi Sam là khu du lịch quốc gia, tranh thủ bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh để sớm đầu tư 4 dự án hạ tầng phát triển du lịch cho khu vực Núi Sam…

Bên cạnh đó, địa phương cam kết đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư tiếp cận dự án, đầu tư kinh doanh đạt hiệu quả, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Châu Đốc nỗ lực trở thành đô thị du lịch năng động của vùng

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Châu Đốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, UBND Thành phố đã xây dựng Kế hoạch Phát triển du lịch trên địa bàn TP. Châu Đốc đến năm 2020.

Theo đó, đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương. Các mục tiêu cụ thể:
Ông Cao Xuân Bá, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc


Thứ nhất, hàng năm, thu hút lượng khách tham quan tăng 5 - 10% so với năm trước; đến năm 2020 đạt khoảng 6,5 triệu lượt khách.

Thứ hai, mở rộng liên kết nhằm thu hút và phục vụ thị trường khách du lịch quốc tế.

Thứ ba, kêu gọi đầu tư, nâng cấp, mở rộng thêm kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, giai đoạn 2015 - 2020 có nhiều nhà đầu tư vào các dự án du lịch như: nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, nhằm thu hút khách đến tham quan và tăng thời gian lưu trú tại địa phương.

Thứ tư, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện và văn minh, giới thiệu hình ảnh một thành phố năng động, hấp dẫn và an toàn.

Thứ năm, hình thành nguồn lực du lịch: nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên phục vụ trong ngành du lịch. Thành lập điểm cung cấp thông tin hỗ trợ khách du lịch.

Để đạt mục tiêu trên, chúng tôi đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch; tăng cường công tác an ninh trật tự, quản lý chuyên ngành; thường xuyên rà soát quy hoạch và đầu tư cải thiện hạ tầng du lịch cải tạo cảnh quan, môi trường; đẩy mạnh thu hút, mời gọi đầu tư, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá về du lịch; chú trọng liên kết liên ngành, liên vùng và hình thành các điểm đến, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Châu Đốc ưu tiên phát triển 4 loại hình du lịch đặc trưng: du lịch tâm linh, du lịch sông nước, du lịch sinh thái và du lịch tham quan - nghỉ dưỡng.
Tin liên quan
Tin khác