Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư Việt Nam cho hay, hiện nay, rất nhiều bệnh nhân ung thư không được chăm sóc dinh dưỡng đúng trong suốt thời gian điều trị dẫn đến tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng và suy kiệt trầm trọng.
Dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc kéo dài cuộc sống và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh ung thư. Ảnh minh hoạ |
Nhiều bệnh nhân không thể theo hết được liệu trình điều trị do cân nặng và thể lực bị suy giảm trầm trọng.
Điều này ảnh hưởng lớn tới hiệu quả điều trị và làm giảm thời gian sống của bệnh nhân. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng chỉ cần giảm 5% cân nặng đã rút ngắn đi 1/3 thời gian sống của bệnh nhân.
Theo điều dưỡng Đào Công Ba, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, có một số nguyên nhân gây thiếu hụt dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư như tác dụng phụ của việc hóa trị, xạ trị: Mệt mỏi, buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, thay đổi khẩu vị, viêm loét miệng…
Do căng thẳng tâm lý của bệnh nhân, khối ung thư gây chuyển hóa bất thường. Do đó, người bệnh ung thư thư cần được chăm sóc dinh dưỡng sớm và tích cực để bù đắp sụt cân, duy trì sức khỏe và tiếp nhận các can thiệp điều trị tốt hơn.
Tiêu thụ năng lượng ở người bệnh ung thư rất lớn, nhu cầu tối thiểu cần đạt 25-30 kcal/kg/ngày. Lượng dinh dưỡng đúng và đủ của từng người tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, giới tính, cân nặng, chiều cao, bệnh lý.
Bệnh nhân ung thư được phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… rất cần chế độ dinh dưỡng chuyên biệt để bồi bổ cơ thể. Khẩu phần ăn cần đầy đủ, đa dạng nhiều loại thực phẩm bằng cách thay đổi món ăn thường xuyên trong ngày và trong tuần. Bữa chính nên đảm bảo đủ bốn nhóm thực phẩm cơ bản bao gồm bột đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Bệnh nhân ung thư thường ăn uống không ngon miệng, chán ăn, lười ăn, ăn kém nên không đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể.
Ngoài ba bữa chính, nên ăn những bữa ăn phụ nhỏ, xen kẽ bữa chính. Bệnh nhân có thể ăn nhiều món trong một bữa, nhưng không nên ăn lặt vặt suốt ngày mà nên tập trung trong bữa chính hoặc bữa phụ.
Hiện tại chưa có bằng chứng nào cho những tuyên bố về một số loại thực phẩm có thể chữa khỏi bệnh ung thư hoặc một số loại thực phẩm có thể làm cho tình trạng ung thư trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, không cần thiết phải cố gắng ăn hoặc tránh ăn bất kì loại thực phẩm cụ thể nào.
Những bệnh nhân ăn uống khó khăn hoặc không thể ăn uống qua đường miệng có thể được nuôi ăn qua ống thông mũi- dạ dày, mở thông ruột non hoặc qua đường tĩnh mạch.
Một số loại dưỡng chất cần đảm bảo trong bữa ăn hằng ngày cho bệnh nhân ung thư như các loại thịt bởi cung cấp cho cơ thể các loại acid amin thiết yếu. Để đảm bảo cung cấp đủ các loại acid amin cần ăn đa dạng các loại thực phẩm, khẩu phần ăn phải cân đối giữa protein động vật và thực vật. Các loại thịt trắng như thịt gia cầm sẽ có lợi hơn cho sức khỏe.
Cơ thể cũng cần bổ sung thêm nguồn sắt, kẽm… từ các loại thịt có màu đỏ như thịt lợn nạc, thịt bò, thịt trâu… tuy nhiên người bệnh không nên ăn quá nhiều lượng thịt đỏ cùng một lúc mà nên chia nhỏ nhiều bữa, khoảng 70g mỗi ngày.
Tinh bột: Nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt ( gạo, ngô, lúa mì, hạt lúa mạch), các loại củ ( khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn…). Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa đường đơn, gây nhiều tác hại cho cơ thể, đồng thời các chất phụ gia cho thêm vào thực phẩm trong quá trình chế biến và bảo quản cũng là một trong những nhân tố góp phần làm tăng tỷ lệ ung thư.
Chất béo: Là chất cho giá trị năng lượng cao, giúp hình thành cấu trúc cơ thể. Do đó trong khẩu phần ăn hàng ngày cần phải có một hàm lượng lipid nhất định, trong đó hàm lượng acid béo chưa no không quá 50% tổng năng lượng ( acid béo chưa no có nhiều trong các loại dầu thực vật, mỡ cá ).
Rau quả: Chọn các loại quả tươi sạch, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản trong điều kiện lạnh, hạn chế làm mất các vitamin trong quá trình chế biến cũng như sơ chế, bảo quản. Rau quả rất có lợi cho sức khỏe do cung cấp các loại vitamin và chất xơ.
Trong chế độ ăn của bệnh nhân ung thư nên hạn chế ăn các thực phẩm chiên rán bởi nhóm thực phẩm này được chế biến ở nhiệt độ cao, có thể tạo ra các hợp chất gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, chiên rán có thể hình thành chất béo chuyển hóa, làm tăng mức cholesterol và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tránh ăn các thực phẩm nấm mốc bởi trong thực phẩm nấm mốc chứa nhiều aflatoxin và nitrosamine là các chất gây ung thư ở người.
Ăn thực phẩm bị nấm mốc trong thời gian dài có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch, dẫn tới ung thư hoặc làm trầm trọng thêm bệnh ung thư đang mắc phải.
Rượu bia cũng như các chất kích thích có thể làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, làm suy yếu tim, ảnh hưởng đồng thời đến chức năng não bộ, gan, phổi và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Ngoài ra rượu bia cũng gây ra hiện tượng mất nước làm tăng tác dụng phụ từ các phương pháp điều trị.
Hạn chế các thực phẩm, đồ uống chứa nhiều đường hoặc muối. Đường góp phần làm tăng cân, kháng insulin, tăng viêm, nhiều calo, ít giá trị dinh dưỡng… Những yếu tố này đều có thể khiến tình trạng bệnh lý diễn biến nghiêm trọng hơn, khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng và suy giảm miễn dịch.
Giữ nước trong cơ thể là yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị ung thư. Việc ăn thực phẩm chứa nhiều muối sẽ làm tăng khả năng mất nước trong tế bào, khiến cho các tác dụng phụ trở nên trầm trọng hơn.
Kiêng ăn thực phẩm tái, sống, thức ăn cay nóng. Thịt, hải sản, trứng tái, sống thường chứa rất nhiều vi khuẩn, virus, khiến cho bệnh diễn biến nhanh hơn, người bệnh cần tuyệt đối tránh. Thức ăn cay nóng gây kích ứng hệ tiêu hóa, dễ gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng đặc biệt đối với người bệnh ung thư dạ dày, thực quản…
Chế độ ăn của bệnh nhân ung thư hay bất cứ trường hợp nào khác đều cần đảm bảo sự cân bằng và đầy đủ về dinh dưỡng, người bệnh không nên kiêng khem cầu kỳ, loại bỏ hết những thực phẩm giàu dinh dưỡng để áp dụng chế độ ăn thực dưỡng, uống ngũ cốc… để tiêu diệt tế bào ung thư.