Đầu tư
Chen chân tại 'mỏ vàng' Myanmar
- 23/04/2013 19:54
Văn phòng cho thuê đắt đỏ, cơ sở hạ tầng thiếu thốn và cạnh tranh ngày càng gay gắt do ai cũng coi Myanmar như "mỏ vàng" cuối cùng, khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn khi đặt chân vào thị trường này.
TIN LIÊN QUAN

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, các quốc gia thận trọng khi đưa vốn ra nước ngoài thì Myanmar lại luôn được "xướng tên" trong danh sách các điểm đến hấp dẫn đầu tư.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM) phát biểu trên báo chí rằng Myanmar là "mảnh đất vàng cuối cùng tại châu Á dành cho các nhà đầu tư nước ngoài". Hay như Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc FPT, ông Trương Gia Bình từng miêu tả, khi nhắc đến Myanmar tại các diễn đàn, mắt nhà đầu tư ai cũng "sáng lên".

Myanmar đầy tiềm năng khai thác nhưng vẫn rất khó khăn với doanh nghiệp
chưa đủ tiềm lực. Ảnh: Bloomberg

Chớp cơ hội này, từ 2012, nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam đã sang Myanmar tìm cơ hội đầu tư, chủ yếu tại các lĩnh vực như bất động sản, viễn thông, công nghệ thông tin, nông nghiệp... Đại diện một số doanh nghiệp cũng có sự chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn khi hoạt động tại nước bạn.

Là một trong các doanh nghiệp đang đầu tư địa ốc tại Myanmar, ông Lê Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai Land nhận xét, trước khi mở cửa, số khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Myanmar "chỉ đếm trên đầu ngón tay", không đủ phục vụ khách du lịch. Các tổ chức phi chính phủ và tập đoàn lớn cũng gặp khó khăn trong tìm kiếm văn phòng do lượng cung quá ít mà tiêu chuẩn thấp. Do vậy, sau khi đổi mới, nhu cầu về khách sạn, văn phòng cho thuê thậm chí là căn hộ tại Myanmar rất lớn, ông Hùng đánh giá.

Giống như địa ốc, các ông lớn viễn thông trên thế giới, trong đó có Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng đang đối chọi gay gắt để giành 2 "vé" cuối cùng ở lại thị trường này, bởi trong số hơn 60 triệu dân Myanmar hiện nay, mới chỉ có gần 10% được tiếp cận điện thoại di động.

Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, đại diện của FPT cho biết, Myanmar đang cố gắng xây dựng một nền kinh tế thị trường phong phú và công bằng, từ đó tạo cho nhà đầu tư thế giới một niềm tin rất lớn khi rót vốn vào đây. "Myanmar cũng rất hoan nghênh các doanh nghiệp làm về công nghệ thông tin, công nghệ cao và giáo dục. Đây là các điểm lợi cho doanh nghiệp Việt Nam", vị này cho biết.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ cũng "nhòm ngó" thị trường với dân số đông và thu nhập ngày càng tăng này. Đại diện của Tập đoàn Tân Hiệp Phát - chủ thương hiệu nước giải khát Number 1 và Dr. Thanh thông tin, công ty đang tìm hiểu thị trường này và tìm cơ hội xuất khẩu sang đây.

Tuy nhiên, do là thị trường mới mở cửa nên các doanh nghiệp Việt Nam sang Myanmar sẽ không dễ dàng và khó tránh một số trở ngại. Đại diện của Hoàng Anh Gia Lai bày tỏ, Myanmar vốn phát triển trên nền tảng văn hóa Anh Quốc nên họ nhận định các nhà đầu tư rất thận trọng. Do đó, "không thể coi đây là mảnh đất mà nhà đầu tư đến đó ăn sổi ở thì, phải thực sự đầu tư và tập trung đầu tư mạnh để có thể được nước bạn công nhận", vị này nhận định

Không chỉ vậy, máy móc và hạ tầng của Myanmar hiện rất khiêm tốn, thậm chí là "số 0" nên chủ đầu tư phải chấp nhận nhập máy móc hoặc đưa máy móc và thiết bị sang, ông Hùng cho biết.

Lượng cao ốc ít ỏi cũng khiến chi phí thuê văn phòng tại Myanmar "đắt đỏ". Theo đại diện một doanh nghiệp đang có ý định mở văn phòng tại đây, giá thuê văn phòng hạng C tại Myanmar lên tới 65 USD/m2, gấp rưỡi giá thuê văn phòng hạng A tại khu trung tâm Hà Nội. Thay vì trả một giá "cực đắt" để thu văn phòng, doanh nghiệp này tính chi 15.000 USD mỗi tháng (khoảng 300 triệu đồng) để thuê một khu biệt thự 1.000 m2, với diện tích văn phòng sử dụng khoảng 400 m2.

Bên cạnh đó, do ngày càng có nhiều nhà đầu tư coi Myanmar là mảnh đất màu mỡ nên tính cạnh tranh cũng tăng lên. Giám đốc phụ trách xuất khẩu của Công ty Cổ phần Hữu Liên Á Châu, đơn vị đã xuất khẩu thép sang Myanmar cho biết, cách đây 3 năm, tính cạnh tranh ở thị trường này tương đối thấp nhưng giờ đây tình hình thay đổi hẳn.

"Cạnh tranh ở Myanmar rất lớn vì ai cũng muốn nhảy vào thị trường này với lòng ham muốn bất tận. Trước đây, sản phẩm của Hữu Liên Á Châu phải đối mặt mạnh nhất với Trung Quốc, nhưng hiện công ty phải đối chọi nhiều hơn với cả doanh nghiệp Việt Nam", ông cho biết.

Cũng là một công ty đã có chiến lược đầu tư sang Myanmar từ năm trước, nhưng đến năm nay, Công ty Cổ phần Giống cây trồng trung ương phải tạm dừng kế hoạch này do luật pháp của Việt Nam và Myanmar có điểm mâu thuẫn khiến công ty chưa thể mang sản phẩm sang trồng tại nước bạn.

Luật pháp của Myanmar chỉ cho phép các công ty nước ngoài mang giống bố mẹ sang trồng. Trong khi đó, luật pháp Việt Nam lại không cho mang nguồn gen bố mẹ và gen thuần chủng sang nước ngoài, bà Trần Kim Liên - Chủ tịch công ty giải trình trong một cuộc họp với cổ đông về việc chậm trễ kế hoạch đầu tư.

Trước vấn đề này, các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam dù rất "khao khát" đầu tư sang Myanmar nhưng cũng nên thận trọng vì hiện nước bạn vẫn còn rất bảo hộ các doanh nghiệp trong nước. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam muốn được chấp thuận phải có một thời gian dài tìm hiểu kỹ càng, trình bày được cả một chương trình làm việc khi quyết định đầu tư tại đây.

Tính đến hết quý I/2013, Việt Nam có 8 dự án đầu tư tại Myanmar, tổng vốn hơn 332 triệu USD, tăng từ vị trí 22 cuối năm 2012 lên vị trí thứ 8 trong số 59 quốc gia, vùng lãnh thổ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vốn sang, theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài.

Huyền Thư

Tin liên quan
Tin khác