Nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện gia tăng mạnh so với cùng kỳ. |
Tín hiệu phục hồi của sản xuất và xuất khẩu vẫn đang được duy trì tích cực khi nhìn vào mức chi ngoại tệ để nhập khẩu máy móc, thiết bị và một số nhóm hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu, đặc biệt với các nhóm hàng đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn như điện tử; điện thoại và linh kiện.
Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7 (1-15/7), kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 5 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ đầu năm đến 15/7 đạt 54,3 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đã tăng 28,4% (tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 12 tỷ USD), chiếm gần 28% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 thị trường nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lớn nhất của nước ta. Trong đó, nhập từ Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch xấp xỉ 16 tỷ USD, tăng mạnh 60% (tương đương gần 6 tỷ USD) so với cùng kỳ 2023.
Nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 14,77 tỷ USD, tăng 18,16% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương tăng 2,27 tỷ USD).
Với 30,77 tỷ USD, riêng 2 thị trường lớn ở châu Á chiếm gần 57% tổng kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của cả nước.
Nếu đơn hàng xuất khẩu ngành điện tử duy trì "phong độ" như hiện tại, sẽ tiếp tục thúc đẩy nhập khẩu nhóm hàng này, dự báo cả năm nay, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có khả năng cán mốc 100 tỷ USD.
Năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 88 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2022. Một số
mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao gồm vi mạch tích hợp, bộ vi xử lý, module các loại, màn hình các loại, mạch các loại, bộ nhớ.
Hoạt động nhập khẩu hiện vẫn sôi động theo sự gia tăng của đơn hàng xuất khẩu của các nhóm hàng này.
Tính đến 15/7, xuất khẩu máy tính, điện thoại, linh kiện các loại đạt 65,9 tỷ USD, trong đó máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 36,3 tỷ USD; Điện thoại các loại và linh kiện xấp xỉ 29,6 tỷ USD.
Báo cáo "Triển vọng đầu tư nửa cuối năm 2024" của Ngân hàng HSBC mới đây nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm tiếp tục lộ trình phục hồi thúc đẩy bởi chu kỳ điện tử toàn cầu. Xuất khẩu điện tử của Việt Nam đang rất tốt. Nhờ vậy, hoạt động công nghiệp thể hiện qua chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tiếp tục cho thấy hoạt động sản xuất đang mở rộng.