Thời sự
Chỉ dấu sớm về phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Khánh An - 06/12/2014 11:10
() Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2014 là 5,6%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với năm 2013. Đây cũng là con số dự báo mà WB dành cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 kèm với nhận định cho rằng, đã có chỉ dấu sớm về phục hồi tăng trưởng kinh tế.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thấy gì từ chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,2%?
Kinh tế thế giới đi xuống, Việt Nam vì sao đi lên?
WB: Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dưới tiềm năng
Việt Nam nên nâng chỉ tiêu tăng trưởng lên 7-8%
Đã xuất hiện yếu tố tạo động lực tăng trưởng kinh tế

Ông Sandeep Mahajan, Trưởng nhóm Báo cáo Cập nhập Tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của WB cho rằng, dự báo trên vẫn thấp so với tiềm năng của Việt Nam. “Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn vào khoảng 6-6,5%.

   
  Ông Sandeep Mahajan, Trưởng nhóm Báo cáo Cập nhập Tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của WB  

Có thể nhìn thấy dư địa ở ngành chế tạo phục vụ xuất khẩu, với mức độ đa dạng hóa cao, ngày càng hướng tới các ngành giá trị gia tăng cao, khu vực tư nhân có sức bật tốt. Tâm lý kinh doanh trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang được cải thiện”, ông Sandeep Mahajan phân tích. Có hai lý do chính được các chuyên gia WB xác định là cản trở khá nhiều việc hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.

Một là, những bất cập trong khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và ngân hàng.

Hai là, sự tương phản trong hoạt động giữa khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

“Những bất cập này đang gây trở ngại tới hiệu quả và năng suất của nền kinh tế. Việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cải cách và hoàn thiện môi trường kinh doanh là mấu chốt để đưa nền kinh tế Việt Nam vươn tới quỹ đạo tăng trưởng”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nhận định.

Trong Báo cáo Cập nhập tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, WB cho rằng, mặc dù quá trình cổ phần hóa DNNN đã tạo được đà, nhưng tiến độ chậm hơn mục tiêu, nhất là trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm và mức độ phức tạp của các DNNN thuộc diện cổ phần hóa ngày càng tăng.

“Thời điểm này, vấn đề quan trọng không chỉ là số DNNN thực hiện cổ phần hóa, mà là cách thức cổ phần hóa thế nào, có đi kèm với các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị, hoạt động của các doanh nghiệp này. Mục tiêu nữa là thu hút được sự tham gia của nguồn vốn tư nhân. Tôi cho rằng, cần phải thúc đẩy việc yêu cầu DNNN thực hiện minh bạch thông tin và quy định rõ hơn trách nhiệm giải trình trong giám sát DNNN”, bà Victoria Kwakwa bình luận.

Liên quan đến ngân hàng, Báo cáo của WB nhận định, công tác xử lý nợ xấu trong hệ thống vẫn là quan ngại chính, cho dù các cơ quan chức năng đã áp dụng phương pháp xử lý nợ đa chiều. Tốc độ tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng chậm hơn so với kỳ vọng, đặc biệt là quá trình hợp nhất.

Ông Sameer Goyal, chuyên gia tài chính cao cấp của WB tại Việt Nam cho rằng, có 3 nội dung chính cần tiếp tục đẩy nhanh, gồm cải thiện phân loại nợ xấu, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tìm phương án xử lý nợ xấu thay vì mua nợ xấu và các hoạt động mua bán - sáp nhập ngân hàng.

Đặc biệt, hai thái cực về hiệu quả hoạt động của khu vực FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước khiến các chuyên gia kinh tế của WB đặt thêm những lo ngại.

Báo cáo nhận định, doanh nghiệp tư nhân trong nước dường như chịu tác động tiêu cực bởi các yếu tố tiếp cận nguồn vốn hạn chế, nhu cầu tiêu dùng trong nước thấp và sân chơi bất bình đẳng hơn so với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Khu vực FDI không chịu quá nhiều áp lực này và đang là nguồn tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

“Không một nền kinh tế thành công nào phụ thuộc hoàn toàn vào khu vực FDI, mà cần có sự phát triển song hành của cả hai khu vực doanh nghiệp. Việt Nam đã có những chương trình nghị sự lớn để thúc đẩy tin thần kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tôi cho rằng, Việt Nam không thiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp Việt không thiếu tinh thần kinh doanh, mà đang cần các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy”, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác