Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống Lao Quốc gia cho biết, trong những thập kỷ qua, gánh nặng bệnh lao ở Việt Nam đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương phát biểu tại Hội nghị. |
Năm 2019, cả nước có 170.000 trường hợp mắc, trong đó có 9.400 trường hợp tử vong do lao. Khoảng 98% bệnh nhân lao và gia đình của họ phải gánh chịu chi phí thảm hoạ do bệnh lao gây ra.
Bên cạnh đó, mỗi năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100 nghìn người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.
Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, khoảng 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.
Cũng theo PGS.TS.Nguyễn Viết Nhung, khó khăn trong công tác phòng chống lao hiện nay là hiện Việt Nam vẫn có trên 20 nghìn người mắc lao chưa có thẻ BHYT mặc dù cũng đã có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Kinh phí đồng chi trả của người có thẻ theo Luật Bảo hiểm y tế cũng sẽ là gánh nặng lớn đối với những người nghèo và cận nghèo, đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong số những người mắc lao.
Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, song nếu các cấp chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và cộng đồng cùng vào cuộc, đoàn kết, chung tay, chắc chắn chúng ta sẽ đẩy lùi được dịch bệnh Covid-19 và tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Về việc điều trị cho bệnh nhân lao theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.
Để có thể phát hiện được nhiều ca mắc lao, Dự án USAID SHIFT và Chương trình chống lao quốc gia đã triển khai chiến lược “2X” (X-quang - Xpert) vào phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp bảy lần so với phát hiện thụ động hiện nay.