Nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm từ Trung Quốc 6 tháng/2024 tăng gần 2 tỷ USD. |
Con số chi nhập khẩu thép các loại tăng thêm từ một thị trường lên tới gần 2 tỷ USD cũng đồng nghĩa với việc ngành sản xuất nội địa gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm. Khó khăn càng đè nặng doanh nghiệp khi sức cầu tại nội địa chưa hồi phục.
Số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 6/2024 đạt 1,49 tỷ USD, giảm 13,8% so với tháng trước, tương ứng giảm 237 triệu USD.
Lũy kế trong 6 tháng/2024 nhập khẩu nhóm hàng này đạt 9 tỷ USD, tăng 25,2%, tương ứng tăng 1,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sắt thép các loại tăng 1,21 tỷ USD và sản phẩm từ sắt thép tăng 603 triệu USD.
Đáng lưu ý, nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm từ thị trường Trung Quốc 6 tháng đầu năm nay tăng cao 52,6% (tương ứng tăng gần 2 tỷ USD), đạt 5,79 tỷ USD. Tính chung nhập từ thị trường này đã chiếm 64% trị giá nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm của cả nước.
Việt Nam không phải quốc gia duy nhất chứng kiến sự đổ bộ của thép Trung Quốc.
Xuất khẩu thép của Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tăng mạnh khi các nhà sản xuất thép nước này đẩy mạnh sản lượng dư thừa ra thị trường quốc tế do nhu cầu nội địa ảm đạm.
6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc xuất khẩu 53 triệu tấn thép, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, tổng lượng thép xuất khẩu cả năm nay của nước này dự báo sẽ phá kỷ lục 110 triệu tấn được thiết lập vào năm 2015.
Tồn kho thép của các nhà sản xuất Trung Quốc hiện nhiều hơn khoảng 4 triệu tấn so với cùng thời điểm năm 2020 do nhu cầu tiêu thụ yếu trong nước khi nền kinh tế sụt tốc tăng trưởng và khủng hoảng bất động sản kéo dài.
Thép Trung Quốc ngập trên các thị trường quốc tế khiến giá mặt hàng này giảm sâu. Theo tờ Nikkei Asia, giá thép cuộn cán nóng trên thị trường Đông Nam Á đã giảm từ khoảng 700-900 USD/tấn (bao gồm cước vận chuyển) trong giai đoạn từ năm 2021 đến giữa năm 2022 xuống còn khoảng 510-520 USD thời điểm hiện tại.
Giá hợp đồng tương lai thép cuộn cán nóng kỳ hạn ngắn trên Sàn Hàng hóa Chicago cũng giảm mạnh từ hơn 1.000 USD/tấn vào cuối năm ngoái xuống còn khoảng 660 USD/tấn.
Dù lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc tương đối ít so với tổng sản lượng thép thô hơn 1 tỷ tấn của nước này năm ngoái. Tuy nhiên, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới này chiếm hơn 50% tổng sản lượng 1,89 tỷ tấn toàn cầu năm 2023. Do đó, nếu nhu cầu nội địa giảm, công suất dư thừa của nước này sẽ được đẩy sang xuất khẩu và tác động lớn tới thị trường toàn cầu.
Cầu nội địa yếu, dư thừa nguồn cung lớn, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường của thép Trung Quốc khiến một số quốc gia cân nhắc sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Số vụ điều tra chống bán phá giá với thép Trung Quốc trên toàn thế giới đã tăng nhanh. Nếu năm 2023, chỉ có 5 vụ, trong đó có 3 liên quan đến sản phẩm thép Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, số vụ điều tra là 14, trong đó có 10 vụ liên quan đến thép Trung Quốc. Các nước tiến hành điều tra chống phá giá trong năm nay gồm Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc, Brazil, Chile…
Ngày 14/6 vừa qua, Bộ Công thương chính thức tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp trong nước đề nghị điều tra áp thuế chống bán phá giá với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong thời hạn 45 ngày, tính từ ngày xác nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan điều tra sẽ thẩm định hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công thương xem xét tiến hành điều tra hoặc không tiến hành điều tra vụ việc.