. |
Bình quân 6 tháng, CPI tăng 4,19% so với cùng kỳ, cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Sau 4 tháng liên tiếp CPI giảm do tổng cầu giảm, CPI tháng 6/2020 đã bất ngờ tăng trở lại, với mức tăng khá cao - 0,66% so với tháng trước.
Con số này vừa được Tổng cục Thống kê chính thức công bố. Cũng theo Tổng cục Thống kê, thì việc CPI tăng trở lại trong tháng Sáu chủ yếu do giá xăng dầu tăng cao 3 đợt liên tiếp sau chuỗi giảm kéo dài kể từ Tết Nguyên đán.
Trong khi đó, giá thịt lợn cũng lại tiếp tục tăng trong những ngày đầu tháng Sáu, ảnh hưởng tới CPI chung của cả nước.
CPI tháng 6/2020 tuy tăng so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 0,59% so với tháng 12 năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Tuy vậy, bình quân 6 tháng đầu năm 2020, CPI vẫn tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, tốc độ tăng CPI bình quân 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: 1,72%; 4,15%; 3,29%; 2,64% và 4,19%.
Tuy vẫn ở mức tăng cao, song có thể thấy rõ, CPI bình quân đang có xu hướng giảm dần. nếu như CPI bình quân tháng 1/2020 tăng tới 6,54%, thì giờ đây, đã giảm xuống chỉ còn 4,19%, tức là cũng đã dần tiệm cận với mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội đề ra (khoảng 4%).
“Xu hướng tăng CPI bình quân đã giảm, nhưng áp lực trong kiểm soát lạm phát theo mục tiêu vẫn hiện hữu”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong mức tăng 0,66% của CPI tháng 6/2020 so với tháng trước, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất.
CPI quý II/2020 giảm 1,87% so với quý trước và tăng 2,83% so với cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19; căng thẳng Mỹ - Trung và các cuộc biểu tình, bạo loạn tại Mỹ khiến vàng trở thành kênh đầu tư an toàn. Chỉ số giá vàng tháng 6/2020 tăng 1,71% so với tháng trước; tăng 16,81% so với tháng 12/2019 và tăng 30,18% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, chỉ số giá USD tháng 6/2020 giảm 0,58% so với tháng trước; tăng 0,47% so với tháng 12/2019 và giảm 0,59% so với cùng kỳ năm 2019.
Ở một góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ giá thương mại hàng hóa bình quân 6 tháng đầu năm 2020 giảm 0,78% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.