Cũng theo Tổng cục Thống kê, nếu so với tháng 12/2013, CPI tháng 9/2013 tăng 4,63%. Còn so với cùng kỳ, mức tăng là 6,3%. Tính trung bình, CPI 9 tháng đầu năm nay vẫn tăng 6,83% so với 9 tháng đầu năm ngoái.
Nguyên nhân CPI tháng 9/2013 tăng mạnh có thể thấy rất rõ là vì tính thời vụ của việc tăng giá của nhóm hàng giáo dục. Trong tháng này, khi năm học mới bắt đầu, với việc nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tăng học phí, nhóm hàng giáo dục đã tăng giá tới 9,38%.
Ở TP.HCM, với việc tăng học phí, nhóm giáo dục tăng giá tới 57,2%, đẩy CPI chung của toàn thành phố lên 3,13%.
“Trong tháng 9, chỉ riêng việc tăng học phí đã tác động đến CPI chung của cả nước 0,54%”, bà Nguyễn Thị Hằng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
Cũng nằm trong diễn biến chung của giá cả thị trường tháng 9/2013, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nắm giữ 40% trong rổ hàng hóa tính CPI, cũng đã tăng 0,65% so với tháng trước.
Việc thời gian qua, mưa bão liên tục đã ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực, thực phẩm, đặc biệt là rau quả cho các thành phố lớn, đẩy nhóm hàng này tăng cao, tác động đáng kể đến CPI chung của cả nước.
Trong khi đó, tháng này lại ghi nhận thêm một nhóm hàng có giá giảm, bên cạnh nhóm bưu chính - viễn thông. Đó là nhóm giao thông, giảm 0,24%. Đây có thể là tác động của việc giá bán lẻ xăng dầu giảm từ ngày 22/8/2013.
Các nhóm hàng còn lại, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,91%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,23%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,29%...
“Việc tăng học phí sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến CPI tháng 10/2013”, bà Hằng nhận định và cho biết, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, năm nay, lạm phát sẽ ở quanh ngưỡng 7%.
Thực tế cho thấy, với mức tăng 1,06% của tháng 9, lạm phát cộng dồn sau 9 tháng là 4,63%, còn cách mục tiêu 6,81% khoảng gần 2 điểm phần trăm. Dư địa điều hành giá cả trong những tháng cuối năm còn khá rộng. Nếu tính trung bình, 3 tháng còn lại của năm, mỗi tháng CPI tăng khoảng 0,8%, thì cả năm, lạm phát sẽ ở mức 7%.
Trong khi đó, không nằm trong rổ hàng hóa tính CPI, nhưng tháng 9 đã ghi nhận mức tăng/giảm trái chiều của USD và vàng. Trong khi vàng tăng 1,97% so với tháng trước, thì USD giảm 0,26%.
Nếu so với cùng kỳ, giá USD tăng 1,3%, còn giá vàng giảm tới 16,13%.
Nguyên Đức