Doanh nghiệp
Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Lào tăng 48 bậc, Việt Nam giảm 6 bậc
Hồng Phúc - 03/04/2019 09:36
Năm 2018, Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam giảm 6 bậc (đứng thứ 100/190 nước). Trong khi đó, 2 quốc gia khác trong khu vực ASEAN là Maylaysia và Lào tăng lần lượt từ 13 bậc đến 48 bậc.

Kết quả trên được đề cập trong tài liệu về Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới dựa theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới do Tổng cục Hải quan vừa cập nhật. 

Một số quốc gia có sự cải thiện vượt bậc về hoạt động giao thương hàng hoá qua biên giới như Brazil, Nga, Ấn Độ, đặc biệt trong khu vực ASEAN là Maylaysia và Lào.

Cụ thể, Malaysia tăng 13 bậc từ vị trí 61 lên vị trí 48/190 quốc gia nhờ đẩy mạnh hải quan điện tử, quản lý rủi ro và nâng cấp cơ sở vật chất, cũng như hệ thống quản lý hoạt động tại cảng biển chính Klang.

Còn với Lào, quốc gia này đã tăng 48 bậc từ vị trí 124 lên vị trí 76/190 quốc gia. Ngân hàng Thế giới đánh giá, kết quả này có được nhờ việc đơn giản hoá quy trình thông quan hàng tại cửa khẩu.

Ngoài 2 nước trên, 8 quốc gia còn lại trong ASEAN đều bị giảm từ 2-7 bậc trong bảng xếp hạng. 

Liên tục trong năm 2016 và 2017, Việt Nam giữ vững vị trí thứ 4 trong 10 nước ASEAN về Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới, với thời gian và chi phí với hàng xuất, nhập khẩu đều có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên đến 2018, Chỉ số này của Việt Nam lại giảm 6 bậc.

Báo cáo Môi trường kinh doanh được Ngân hàng Thế giới thực hiện thường niên, từ 2001 với 190 quốc gia trong 11 lĩnh vực kinh tế.

Ngân hàng Thế giới đưa ra một số nguyên nhân về kết quả giảm bậc này của Việt Nam như việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa phủ tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan.

Đặc thù các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên thay đổi, dù các thụ tục để trình phê duyệt dự án xây dựng hệ thống công nghệ lại phải trải qua nhiều bước, khiến “mức độ đáp ứng của hệ thống công nghệ thông tin đôi khi không theo kịp các quy định pháp luật mới”.

Cùng với đó, số lượng hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn, cảng Cát Lái có lưu lượng hàng hoá xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước nhưng hạ tầng thiếu đồng bộ và kết nối. Tình trạng kẹt xe trong nhiều giờ trên trục đường Đồng Văn Cống (quận 2), Nguyễn Văn Linh (quận 7) đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp, đẩy chi phí logistics tăng cao. 

Tin liên quan
Tin khác