Chứng khoán Hong Kong dẫn sóng tăng điểm tại khu vực châu Á trong phiên giao dịch ngày 1/6. Ảnh: AFP |
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong dẫn sóng tăng điểm tại khu vực khi chốt phiên hôm nay 1/6 với 23.732,52 điểm, tăng 3,36% nhờ cổ phiếu Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ AIA vọt lên 5,17%. Trước đó, nhà đầu tư lo ngại chứng khoán Hong Kong sẽ "rực lửa" trong phiên giao dịch đầu tháng 6 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ lệnh cho chính quyền Mỹ tước bỏ các ưu đãi đặc biệt đối với Hong Kong, một phản ứng chính thức của Mỹ về việc Trung Quốc phê chuẩn áp dụng luật an ninh quốc gia đối với đặc khu này.
“Đòn giáng của ông Trump lên việc Trung Quốc phê chuẩn áp dụng luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong đã cho thấy nó không nguy hại như dự đoán”, Vishnu Varathan, Trưởng Bộ phận kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) đánh giá.
Chuyên gia Varathan cho rằng, các biện pháp cụ thể và có thể kiểm chứng mà Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc dường như sẽ suy yếu, các thị trường chứng khoán có thể tự an ủi rằng Mỹ đang có bước đi thận trọng.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục hôm nay đón sóng tăng điểm mạnh mẽ, với chỉ số Shanghai Composite tăng 2,21% lên 2.915,43 điểm còn chỉ số Shenzhen Component tăng cao 3,14% và đóng cửa với 11.102,15 điểm.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa nhích 0,84% lên 22.062,39 điểm khi cổ phiếu của Tập đoàn công nghệ Softbank bật tăng 3,85%. Chỉ số Topix của Nhật Bản chiều nay chốt phiên tăng nhẹ 0,32% lên 1.568,75 điểm.
Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng ấn tượng 1,75% và khép lại phiên đầu tháng với 2.065,08 điểm, bất chấp thông tin bất lợi rằng xuất khẩu tháng 5 của nước này “bốc hơi” 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức giảm 22,1% được dự báo trước đó.
Chứng khoán Australia hôm nay cũng đón sắc xanh với chỉ số S&P/ASX 200 tăng 1,1% lên 5.819,20 điểm. Tính chung lại, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng cao 2,27%.
Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương hôm nay vọt tăng khi nhà đầu tư phần nào “thở phào” với những tín hiệu hồi phục tích cực của nền kinh tế Trung Quốc. Theo công bố mới đây của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức trong lĩnh vực chế tạo đạt 50,6 điểm trong tháng 5. Chỉ số PMI lớn hơn 50 cho thấy ngành/lĩnh vực được khảo sát ghi nhận tăng trưởng.
Còn kết quả khảo sát tư nhân gần đây cũng cho thấy chỉ số PMI Caixin/Markit lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đạt 50,7 trong tháng 5, cao hơn mức 49,6 điểm được các nhà phân tích dự báo với Reuters.
Thị trường tiền tệ hôm nay ghi nhận chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác rơi khỏi mốc 99,6 thiết lập tuần trước về 97,903. Đồng yên Nhật Bản tăng giá và giao dịch ổn định 107,41 JPY/USD sau những hỗn loạn trong tuần trước, còn đô la Australia cũng mạnh lên đáng kể và trao tay 1 AUD/0,674 USD.
Giá dầu trên thị trường châu Á chiều nay đi xuống, với dầu thô Brent giao kỳ hạn trượt giá 0,69% về 37,58 USD/thùng, còn giá dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ giảm sâu hơn với 0,99% về 35,14 USD/thùng.