Y tế - Sức khỏe
Chi tiết lịch trình cung ứng 60 triệu liều vắc xin Covid-19 tại Việt Nam
D.Ngân - 11/03/2021 07:25
Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 25/3/2021, lô vắc xin đầu tiên từ nguồn COVAX Facility với 1,37 triệu liều sẽ về đến Việt Nam.

Cụ thể, với nguồn hỗ trợ của COVAX Facility tài trợ, ngày 25/3/2021 lô vắc xin đầu tiên từ nguồn này với 1,37 triệu liều vắc xin của AstraZeneca trong cam kết hỗ trợ 30 triệu liều sẽ về đến Việt Nam.

Ngày 25/3/2021 lô vắc xin đầu tiên từ nguồn COVAX Facility với 1,37 triệu liều sẽ về đến Việt Nam.

Lô tiếp theo với 2,8 triệu liều sẽ tiếp tục về Việt Nam ngày 25/4/2021. Như vậy, đến hết tháng 4/2021, Việt Nam sẽ tiếp nhận 4,17 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 từ COVAX Facility.

Khoảng 25,9 triệu liều vắc xin còn lại trong cam kết hỗ trợ của COVAX Facility dự kiến được chuyển về Việt Nam trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 năm 2021.

Nguồn thứ hai là vắc xin AstraZeneca thông qua Công ty VNVC cung ứng. VNVC là một trong 3 tổ chức được AstraZeneca đồng ý cung cấp vắc xin tại Việt Nam, cùng với COVAX Facility và UNICEF. Doanh nghiệp này chuyển giao vắc xin mua được từ AstraZeneca cho Bộ Y tế theo cơ chế phi lợi nhuận.

Trước đó, cuối tháng 2/2021, 117.600 liều vắc xin của hãng AstraZeneca do SK Bio Hàn Quốc sản xuất đã về đến Việt Nam và được triển khai tiêm chủng từ ngày 8/3/2021.

Dự kiến, các đợt vắc xin tiếp theo với tổng số 29,87 triệu liều sẽ về đến Việt Nam vào tháng 4 (1,48 triệu liều), tháng 5 (2,76 triệu liều), tháng 6 (5,04 triệu liều), tháng 7 (7,32 triệu liều) và tháng 8 (13,27 triệu liều).

Theo đại diện VNVC, doanh nghiệp đã đặt mua của AstraZeneca để cung ứng vắc xin cho Việt Nam, trong đó bao gồm 117.600 liều đang được triển khai tiêm chủng cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch tại 13 tỉnh và thành phố.

Để có được một lượng vắc xin nhập khẩu về sớm theo đại diện VNVC, doanh nghiệp đã chấp nhận rủi ro đặt cọc 30 triệu USD trong thời điểm nhà sản xuất vẫn đang thử nghiệm lâm sàng.

Ngoài vắc xin từ các nguồn nêu trên, theo ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, để có nguồn cung ứng vắc xin với mục tiêu đảm bảo bao phủ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân Việt Nam, sớm chủ động đẩy lùi đại dịch, Bộ Y tế đã và đang tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, Gamaleya (Sputnik V) để có thể tiếp cận với tất cả các nguồn cung ứng vắc xin nhằm triển khai nhanh nhất việc mở rộng phạm vi sử dụng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam.

Bộ Y tế tư lệnh ngành Y tế cũng khuyến khích tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với các đối tác cung cấp vắc xin phòng Covid-19 khác trên thế giới để nhập khẩu vắc xin về sử dụng trong nước.

Do hiện nay nhiều nước trên thế giới đang trong tình trạng “khát” vắc xin để mong kiểm soát dịch bệnh nên tại nhiều quốc gia đã diễn ra tình trạng lừa đảo trong cung ứng vắc xin.

Các hình thức lừa đảo có thể gồm việc tụ nhận là đại diện thương mại cho các nhà sản xuất vắc xin và tuyên bố sở hữu hoặc có quyền tiếp cận vắc xin phòng Covid-19 để mời chào bán vắc xin.

Hình thức thứ hai là chào bán số lượng lớn vắc xin phòng Covid-19 cho Chính phủ hoặc các tổ chức, cung cấp một lượng hàng mẫu để ký kết, nhận tiền đặt cọc và sau đó chiếm dụng. Hình thức thứ ba là cung cấp các lô vắc xin phòng Covid-19 giả mạo.

Để đảm bảo việc tiếp cận vắc xin phòng Covid-19 cho người dân Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, tổ chức khi nhận được các thông tin, đề nghị, hợp tác về việc cung cấp vắc xin phòng Covid-19 cần thận trọng, chủ động xác thực, kiểm chứng thông tin, đảm bảo an toàn pháp lý, tài chính và thương mại. 

Trong trường hợp cần thiết, có thể đề nghị các cơ quan chức năng (Bộ Y tế, Bộ Công an, cơ quan ngoại giao, thương mại…) giúp xác minh thông tin liên quan đến việc cung cấp vắc xin phòng Covid-19.

Đồng thời, việc đàm phán, mua vắc xin phòng Covid-19 cần được thông báo kịp thời cho Bộ Y tế để đảm bảo việc nhập khẩu, sử dụng cũng như điều hành nguồn và tổ chức tiêm chủng được thông suốt.

Liên quan tới việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 trong nước, ngày 11/3, theo báo cáo của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia đã có thêm 433 người được tiêm chủng an toàn vắc xin phòng Covid-19 trong ngày 10/3 - ngày thứ ba triển khai tiêm chủng 117.600 liều vắc xin đầu tiên của AstraZeneca.

Tính đến cuối giờ chiều ngày 10/3/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 955 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng.

Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng, chưa có trường hợp nào tiêm chủng ngày 10/3/202 báo cáo phản ứng sau tiêm vắc xin. Các trường hợp được báo cáo bổ sung của hai ngày tiêm trước đều là các phản ứng thông thường sau tiêm chủng như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy…

Trong ba ngày triển khai đầu tiên, công tác an toàn tiêm chủng luôn được Chương trình tiêm chủng mở rộng đặt lên hàng đầu và được các địa phương thực hiện nghiêm túc.
Tin liên quan
Tin khác