Theo quyết định, hơn 2 triệu liều vắc-xin Moderna được phân bổ tới 53 tỉnh, thành phố, lực lượng công an, quân đội và 20 bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế.
Bộ Y tế vừa có quyết định phân bổ vắc-xin Moderna cho 53 tỉnh, thành và các ngành. |
Theo đó, tại khu vực miền Bắc, 870.240 liều vắc-xin này được phân bổ cho 28 tỉnh, thành phố trong đó Hà Nội được nhiều nhất với 120.960 liều.
Tiếp đến là tỉnh Hải Dương 43.680 liều; Quảng Ninh 42.000 liều; Hải Phòng, Bắc Giang và Bắc Ninh mỗi địa phương 40.320 liều. Các địa phương còn lại được tiếp nhận từ 7.000 - 30.000 liều.
Ngoài ra, 10 tỉnh, thành tại miền Trung, gồm được phân bổ 309.120 liều; 4 tỉnh Tây Nguyên được phân bổ 80.640 liều; 10 tỉnh, thành phố phía Nam được phân bổ 505.680 liều, trong đó, TP.HCM được nhiều nhất với 235.200 liều. Ngoài ra, 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương mỗi tỉnh 65.520 liều; Long An 31.920 liều.
Cũng tại quyết định trên, lực lượng quân đội tiếp nhận 42.000 liều và lực lượng công an tiếp nhận 33.600 liều.
Cùng với đó, 20 bệnh viện, viện, trường đại học cũng được phân bổ 158.760 liều, trong đó, Bệnh viện Bạch Mai được phân bổ 15.120 liều; Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và Bệnh viện E mỗi nơi nhận 13.440 liều.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch, bảo đảm mỗi đối tượng tiêm chủng được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin này mà không tiêm "trộn" với vắc-xin khác.
Với số vắc-xin được bảo quản ở nhiệt độ 2 độ C đến 8 độ C phải sử dụng hết trong 31 ngày. Các đơn vị được phân bổ cần lập kế hoạch tiếp nhận vắc-xin và triển khai tiêm chủng kịp thời, bảo đảm sử dụng hết số vắc-xin được nhận.
2 triệu liều vắc-xin Moderna này do Mỹ viện trợ cho Việt Nam qua chương trình Covax Facility.
Tại Hà Nội, nhằm chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, ngay từ bây giờ, tất cả mọi người đều có thể đăng ký tiêm chủng vắc-xin Covid-19 theo 2 cách.
Một là, người dân có thể đăng ký theo bản đăng ký giấy tại xã, phường, thị trấn, sau đó cán bộ sẽ nhập các dữ liệu lên "Sổ sức khỏe điện tử"; hai là đăng ký online trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 hoặc tải ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" cho điện thoại dùng hệ điều hành Android và iOS.
Sau khi xác thực thông tin trên phần mềm, người dân sẽ thấy thông tin về hướng dẫn đăng ký tiêm vắc-xin.
Đồng thời, căn cứ vào phiếu đăng ký để sàng lọc cụ thể từng đối tượng, xem ai tiêm ở đâu, tình hình sức khỏe của từng người, cán bộ y tế sẽ phân loại (có người tiêm ở các điểm tiêm thông thường, có người phải tiêm ở bệnh viện).
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng nhấn mạnh, không phải ai đăng ký trước sẽ được tiêm trước. Việc đăng ký tiêm qua mạng chỉ là hình thức giúp người dân không phải đến cơ sở tiêm chủng, đồng thời cập nhật thông tin cá nhân được nhanh nhất...
Trên hệ thống sẽ không thể hiện việc đăng ký trước sẽ được tiêm trước. Cơ sở tiêm chủng trên địa bàn căn cứ vào thông tin này sẽ xác nhận lịch tiêm chủng cho người dân.
Việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 là hình thức tiêm tự nguyện và theo lịch tiêm. Được biết, trong chiến dịch này, số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng (tạm tính lứa tuổi từ 18 đến 65) của Hà Nội là trên 5,1 triệu người đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác. Các đối tượng tiêm được chia thành 10 nhóm theo thứ tự ưu tiên để bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vắc-xin.
Theo Giám đốc Sở Y tế, hiện nay, phương án đưa ra là sẵn sàng 1.200 dây chuyền tiêm.
Nếu nguồn cung vắc-xin bảo đảm, TP phấn đấu đạt tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày; huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các phản ứng sau tiêm. Mặc dù vậy, việc tiêm được bao nhiêu và mở các điểm tiêm như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào lượng cấp phát vắc-xin của Bộ Y tế.