Theo dữ liệu của Farside Investors, hơn 1 tỷ USD đã được rút ra khỏi 11 quỹ ETF bitcoin được niêm yết tại Mỹ trong 7 phiên giao dịch liên tiếp gần đây. Trong đó, phiên hôm qua (5/9) ghi nhận mức rút ròng 211,1 triệu USD và phiên giao dịch ngày 3/9 ghi nhận mức rút ròng 287,8 triệu USD. Quỹ FBTC của Fidelity và quỹ GBTC của Grayscale ghi nhận mức rút ròng lớn nhất trong số các quỹ ETF BTC.
Dòng tiền đổ vào các quỹ ETF bitcoin giảm mạnh do sự giảm giá của bitcoin thời gian qua. Đồng tiền số này đã đạt mức cao kỷ lục hơn 73.000 USD/BTC vào giữa tháng 3/2024 trước khi quay đầu giảm mạnh do làn sóng bán tháo.
Sáng nay (6/9), giá BTC có thời điểm đã thủng mốc 56.000 USD/BTC, đang đứng ở mức 56.600 USD/BTC. So với thời điểm giữa tháng 3/2024, BTC đã bị “thổi bay” hơn 17.000 USD/BTC, tương đương mức giảm hơn 30% giá trị.
Cựu giám đốc điều hành BitMEX Arthur Hayes gần đây đã dự đoán rằng Bitcoin có khả năng sẽ quay trở lại mức 50.000 USD.
“Trong trường hợp tốt nhất, Bitcoin sẽ dao động quanh các mức này và trong trường hợp xấu nhất, giá Bitcoin sẽ từ từ giảm xuống mức 50.000 USD", Arthur Hayes đã viết trong một bài đăng trên blog gần đây.
Đồng thời, Arthur Hayes tin rằng, các altcoin đang lao dốc sâu hơn, nghĩa là sự thống trị thị trường Bitcoin có khả năng sẽ tăng lên.
Là kênh đầu tư có mức độ rủi ro rất lớn song tiền số, tài sản số - đặc biệt bitcoin vẫn được đông đảo nhà đầu tư Việt Nam quan tâm.
Theo số liệu từ Chainalysis và đã được đại diện Bộ Tư pháp Mỹ chia sẻ cho thấy đã có tới 120 tỷ USD tiền mã hóa được chuyển vào Việt Nam trong vòng 1 năm, tính tới tháng 6/2023. Đáng chú ý, con số này cao gấp gần 5 lần so với con số 25 tỷ USD vào Việt Nam qua đường FDI.
TS. Phạm Anh Khôi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng cho rằng, thị trường tài sản thực được token hóa (Real World Asset - RWA) là cơ hội quý giá, giúp các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể tham gia vào thị trường vốn toàn cầu với ưu điểm là kênh dẫn vốn hiệu quả, chi phí thấp cho các dự án có tài sản thực tại Việt Nam.
Trên toàn cầu, quy mô thị trường tài sản thực được token hóa dự kiến đạt 16.000 tỷ USD, tương đương 10% GDP toàn cầu vào năm 2030 theo báo cáo của Tập đoàn Tư vấn Boston Consulting Group. Thị trường này thậm chí có thể tăng gấp đôi, lên tới 30.000 tỷ USD trong 4 năm kế tiếp, theo Standard Chartered.
Tại Việt Nam, theo TS. Phạm Anh Khôi, do thiếu hành lang pháp lý quản lý tài sản số, tài sản ảo nên toàn bộ dòng tiền đầu tư vào tài sản số chưa được kiểm soát tốt, gây thất thu về thuế và kéo theo nhiều vấn đề khác như phòng chống rửa tiền, bảo vệ người dùng,...
“Nếu chúng ta sớm có chính sách quản lý chặt chẽ thì thay vì việc đi vào nền kinh tế ngầm chưa được kiểm soát, dòng tiền này có thể sẽ trở thành một động lực tốt giúp thúc đẩy nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực đầu tiên có thể nhận được dòng vốn này chính là RWA do những ưu thế vượt trội của loại hình tài sản này như được đảm bảo giá trị bằng tài sản thực, thanh khoản nhanh và đa dạng hóa danh mục đầu tư”, chuyên gia này khuyến nghị.
Mặc dù vậy, cũng theo các chuyên gia, các nhà đầu tư khi tham gia vào lĩnh vực tài sản số nói chung và RWA cần chuẩn bị kiến thức và hiểu biết về thị trường tài chính, công nghệ và pháp lý, tham vấn các chuyên gia, tổ chức đầu ngành, liên tục đánh giá và cập nhật các rủi ro biến động và pháp lý, lựa chọn nền tảng giao dịch uy tín và đặc biệt là cần có chiến lược đầu tư rõ ràng và đa dạng hóa danh mục để giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi ích.