“Thắng lớn” nhờ công nghệ
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), trong đó có 41 sàn bán hàng, 98 sàn cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay mặt họ trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với họ, tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt/ngày.
Nhà cung cấp nước ngoài có phát sinh thu nhập tại Việt Nam được tổ chức Việt Nam khai thay, nộp thuế thay gồm 14 đơn vị lớn xuyên biên giới và 8 trang điện tử xuyên biên giới.
Từ tháng 3/2022, Bộ Tài chính đã chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Theo đó, nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam có thể thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế tại bất kỳ đâu trên thế giới thông qua Cổng, từ đó tạo thuận lợi, bình đẳng, minh bạch trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo xu hướng quản lý thuế quốc tế.
Sau hơn 3 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, đã có 26 nhà cung cấp nước ngoài lớn như Microsoft, Facebook, Netfix, TikTok, eBay... đăng thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 20 triệu USD.
Số thu từ hoạt động TMĐT thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến giữa tháng 7/2022 đạt 5.458 tỷ đồng, tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Trong đó, một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như Facebook (2.076 tỷ đồng), Google (2.040 tỷ đồng), Microsoft (699 tỷ đồng).
Trước đó, nhiều năm liền, Việt Nam đã thất thu thuế TMĐT xuyên biên giới do các nền tảng, doanh nghiệp lớn trốn tránh, né thuế, không chịu đặt văn phòng tại Việt Nam. Vì vậy, việc các nền tảng lớn chịu nộp thuế qua hệ thống công nghệ là một thành công sau nhiều năm đấu tranh với họ.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Việt Nam đã trở thành một trong 4 nước khu vực Đông Nam Á thành công trong việc khẳng định quyền quản lý thuế của quốc gia đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.
Đề xuất tăng thu thuế Thương mại điện tử
Tuy nhiên, việc những doanh nghiệp lớn chịu nộp thuế mới chỉ là thắng lợi ban đầu, bởi vẫn còn nhiều doanh nghiệp xuyên biên giới khác quanh co, né tránh việc nộp thuế và nhiều doanh nghiệp chưa kê khai đúng, nộp thuế đủ.
Doanh thu thị trường TMĐT Việt Nam năm 2021 ước đạt 16 tỷ USD, dự báo đến năm 2025, có thể đạt đến 52 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có thị trường TMĐT đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.
Theo ông Nguyễn Việt Anh, chuyên gia quản trị công của Ngân hàng Thế giới (WB), trước tiềm năng TMĐT rất lớn của Việt Nam, cần tăng cường hiệu quả quản lý thuế trong lĩnh vực này. Theo đó, trong chính sách thuế giá trị gia tăng, cần quy định vai trò của các nền tảng số, chợ điện tử trong khai, nộp thuế của các thương nhân hoạt động trên các nền tảng này. Đồng thời, cần áp dụng thống nhất thuế suất thuế GTGT với nhà cung cấp nước ngoài và bãi bỏ việc miễn thuế với hàng hóa có giá trị thấp.
Đối với thuế trực thu, ông Nguyễn Việt Anh kiến nghị, phía Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến quốc tế xung quanh những thảo luận và thỏa thuận về thuế trực thu với doanh nghiệp kỹ thuật số. Bên cạnh đó, cũng cần dự phòng phương án nếu không có sự đồng thuận về việc đánh thuế các doanh nghiệp kỹ thuật số và rà soát lại các ưu đãi thuế để tránh thất thu thuế từ tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu...
Theo PGS-TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới, nhất thiết phải áp dụng công nghệ với trình độ ngày càng cao trong quản lý thuế. Trong đó, cần xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên Internet, làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc thực hiện thanh tra, kiểm tra, ấn định thuế. Phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử một cách thuận tiện nhất. Ứng dụng các công nghệ tích hợp hiện đại (vật lý, sinh học…) để phát hiện dấu hiệu vận chuyển hàng trong mô hình TMĐT thanh toán tiền mặt.
Về lâu dài, theo ông Trường, cùng với việc sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số. Nếu không kiểm soát được giao dịch TMĐT trên cơ sở hành lang pháp lý đầy đủ và công nghệ hiện đại thì các nỗ lực khác sẽ không thể giúp chúng ta đạt được mục tiêu đề ra.
Đồng quan điểm, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cũng chỉ ra rằng, muốn quản lý thuế lĩnh vực này hiệu quả, không cách nào khác, bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý thì ứng dụng công nghệ, điện tử hóa đóng vai trò then chốt quyết định hiệu quả, không thể chỉ dựa vào phương thức, nghiệp vụ thủ công truyền thống. Đồng thời, ngành thuế phải tăng cường liên kết, phối hợp với các đơn vị khác như ngành công thương, ngân hàng...
Về vấn đề tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào thu thuế xuyên biên giới, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng hệ thống thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đảm bảo thông tin của các tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn TMĐT và các giao dịch thanh toán đối với dịch vụ số xuyên biên giới ngay khi phát sinh giao dịch. Ngành thuế cũng phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan để củng cố thông tin, cơ sở dữ liệu, từ đó hoàn thiện chính sách pháp luật và nâng cao công tác quản lý thuế.