Viễn thông - Công nghệ
Chống thất thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới: Dùng công nghệ khắc chế công nghệ
Tú Ân - 20/03/2022 09:06
Bên cạnh các giải pháp khác, việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp công tác chống thất thu thuế tăng tính hiệu quả.

 

Thất thu thuế lớn

Ngày 16/3, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, các năm qua, ngành thuế đã thu thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn đã nộp thuế như Facebook (nộp 1.694 tỷ đồng), Google (1.618 tỷ đồng), Microsoft (576 tỷ đồng). Năm 2021, số thu thuế từ dịch vụ xuyên biên giới đạt 1.317 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2020.

Con số này rất khiêm tốn so với doanh thu thực tế ở Việt Nam. Theo báo cáo của Google, Temasek, thị trường thương mại điện tử Việt Nam rất nhiều tiềm năng, tăng 16% và đạt doanh thu 14 tỷ USD trong năm 2021. Dự báo, tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2025 là 29% và tới năm 2025, quy mô thương mại điện tử Việt Nam đạt 52 tỷ USD.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp (Tổng cục Thuế) thừa nhận, một khó khăn lớn của cơ quan thuế là việc xác định căn cứ tính thuế. Trên môi trường số, các hoạt động kinh doanh có thể thực hiện thông qua website hiện diện ở một khu vực thị trường nào đó, mà không cần sự hiện diện vật chất của người nộp thuế tại đó. Ngoài ra, trong nền kinh tế số, rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh, để làm cơ sở đánh thuế.

“Việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cũng không đơn giản. Chủ thể kinh doanh thương mại điện tử không cần đến cửa hàng, cửa hiệu theo cách truyền thống, các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt tại nước ngoài, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch thương mại điện tử và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội”, bà Lan Anh cho biết.

Theo ông Hồ Ngọc Tú, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), khả năng thất thu thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử là hiện hữu khi các cơ quan quản lý rất khó giám sát và thu thập thông tin về mua bán kinh doanh trực tuyến. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử có thể dễ trốn thuế hơn so với hình thức kinh doanh truyền thống nhờ công nghệ số có thể bảo mật thông tin trong kinh doanh.

Thực tế, một số tổ chức, cá nhân sử dụng website để quảng bá sản phẩm, hàng hóa, bán trực tiếp cho người tiêu dùng là cá nhân không xuất hóa đơn bán hàng, không kê khai doanh thu tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Đối với các hàng hóa, dịch vụ vô hình như phần mềm, tranh ảnh, âm nhạc, các dịch vụ tư vấn hay các hàng hóa, dịch vụ sử dụng công nghệ số khác, thì công tác thu thuế gặp khó khi khách hàng có thể mua, nhận sản phẩm và thanh toán trực tuyến không cần nhà phân phối, phương tiện vận chuyển hay các trung gian để phân phối hàng hóa đến người mua”, ông Tú nhận định.

Công nghệ là nòng cốt

Theo TS. Vũ Xuân Dũng (Trường đại học Thương mại), việc rà soát các trang web, tìm kiếm và phân tích các giao dịch thương mại điện tử bất thường của các tổ chức, cá nhân nhằm phát hiện dấu vết gian lận, vi phạm thuế mới được thực hiện một cách đơn giản, chủ yếu dựa trên các thao tác của cán bộ thuế. Ngành thuế cần đầu tư xây dựng các công cụ phần mềm chuyên dụng trong tìm kiếm dấu vết, phát hiện và xử lý giao dịch thương mại điện tử có gian lận, vi phạm thuế.

“Cơ quan thuế các cấp cần thành lập bộ phận chuyên trách quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử, đẩy mạnh đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, phần mềm ứng dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức thuế”, ông Dũng đề xuất.

Còn PGS-TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) đề nghị, bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ. Cụ thể, có thể thành lập trung tâm phòng chống trốn lậu thuế công nghệ cao thuộc Tổng cục Thuế, hoặc giao bổ sung chức năng này cho Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) để làm đầu mối triển khai hệ thống phần mềm quản lý thuế  đối với thương mại điện tử. Đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý đối với thương mại điện tử.

Theo ông Trường, công nghệ thông tin phải là nòng cốt gắn với các công nghệ hiện đại khác để kiểm soát các giao dịch kinh doanh của người nộp thuế, như xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên Internet, làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế; phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử một cách thuận tiện nhất; ứng dụng các công nghệ tích hợp hiện đại (vật lý, sinh học…) để phát hiện dấu hiệu vận chuyển hàng trong mô hình thương mại điện tử thanh toán tiền mặt.

“Về lâu dài, cùng với việc sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số”, ông Trường nói.

Trong khi đó, ông Hồ Ngọc Tú gợi mở rằng, cơ quan quản lý thuế có thể phối hợp với một bên thứ ba là một công ty về công nghệ và cung cấp mạng viễn thông lớn (Viettel, VNPT, MobiFone…) để xây dựng dữ liệu về hoạt động thương mại điện tử trên thị trường, thu thuế, thông báo nghĩa vụ thuế với người dân. Cơ quan thuế cũng cần phối hợp với bên thứ 3 xây dựng thiết kế phần mềm tính thuế riêng cho thương mại điện tử và đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng hóa đơn điện tử.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế xây dựng cổng thông tin điện tử về kê khai thuế xuyên biên giới. Ngày 21/3, Tổng cục Thuế sẽ khai trương cổng thông tin điện tử này để doanh nghiệp nước ngoài khi bán hàng xuyên biên giới có thể trực tiếp kê khai thuế, nộp thuế.
Tin liên quan
Tin khác