Chuyển đổi số - Kinh tế số
Khai thác “mỏ dầu” dữ liệu xuyên biên giới
Hữu Tuấn - 06/03/2022 08:35
Dữ liệu được ví như mỏ dầu thô và việc khai thác, chế biến thành năng lượng là vấn đề sống còn với doanh nghiệp Việt Nam.
Ảnh minh họa (Internet)

Mỏ dầu của nền kinh tế số

Năm 2021, Facebook đạt doanh thu 117,9 tỷ USD, cứ mỗi người dùng mang lại doanh thu hơn 10 USD cho tập đoàn này. Google cũng đã lập kỷ lục doanh thu 257 tỷ USD từ quảng cáo, dịch vụ cho người dùng. Phần lớn doanh thu, lợi nhuận của các ông lớn Facebook, Google, Amazone, Gojek… đều dựa trên chiến lược khai thác dữ liệu lớn của người dùng. Chiến lược  “Dữ liệu hoặc không gì cả - It’s data or nothing” giúp các ông lớn công nghệ tiếp cận người dùng, phân tích thói quen, nhu cầu để bán hàng hóa, dịch vụ, quảng cáo…

Trong năm 2021, theo đánh giá, quy mô của nền kinh tế số Việt Nam ước đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020. Trong đó các lĩnh vực như thương mại điện tử, Fintech, Edtech… tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự bùng nổ của dữ liệu lớn trong bối cảnh đại dịch. Dữ liệu được xây dựng, bảo vệ, khai thác hiệu quả sẽ là nguồn tài nguyên cho quốc gia, doanh nghiệp để phát triển ngành công nghiệp ICT, phát triển nền kinh tế số.

Việt Nam là quốc gia nổi bật về hoạt động trao đổi dữ liệu xuyên quốc gia, đứng thứ 7 trong số các quốc gia có dòng dữ liệu xuyên biên giới lớn nhất, theo số liệu của Nikkei Asia. Việc tăng trưởng dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới nói chung và dòng dữ liệu cá nhân xuyên biên giới nói riêng vừa là cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, luồng dữ liệu miễn phí, cho phép các công ty Việt Nam tiếp cận các dịch vụ toàn cầu như trung tâm dữ liệu và tài chính quốc tế trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số, là yếu tố quan trọng để tiếp tục phát triển nhanh chóng nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam.

“Việt Nam cần đảm bảo môi trường pháp lý mở và tương thích, cho phép truy cập thông tin, quyền riêng tư dữ liệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, an ninh mạng và thương mại dịch vụ kỹ thuật số tự do, công bằng, có đi có lại và phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu”, đại diện AmCham khuyến nghị.

Tương tự, ông Bruno Sivanandan, thành viên Ban quản trị Nhóm công tác kinh tế số, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) góp ý, Chính phủ nên thiết lập chế độ bảo vệ dữ liệu cá nhân, bởi đây là một bước quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế số sôi động và đổi mới tại Việt Nam. Thách thức nằm ở hài hòa việc thu thập thông tin vì lợi ích của xã hội với việc đảm bảo an ninh của hệ thống và quyền riêng tư của người dân.

“Đảm bảo luồng dữ liệu tự do xuyên biên giới là điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam và các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam có thể phục vụ khách hàng trong và ngoài nước. Yêu cầu địa phương hóa dữ liệu sẽ làm phát sinh đáng kể các chi phí ở giai đoạn đầu với doanh nghiệp nước ngoài và trong nước, dù thuộc quy mô lớn hay nhỏ”, ông Bruno nói.

Tìm kiếm giải pháp 

Tuy nhiên, trên thực tế thì dòng dữ liệu xuyên biên giới đang gây ra những lo ngại trong việc kiểm soát và bảo mật dữ liệu khi chúng ở ngoài biên giới lãnh thổ quốc gia. Đối với người dùng, nếu xảy ra sự cố mất an toàn với dữ liệu của mình, nhưng dữ liệu đó lại do một chủ thể ở quốc gia khác nắm giữ, sẽ rất khó để thực hiện được quyền tự kiểm soát hay bảo vệ.

Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, thách thức lớn là làm sao bảo vệ được an toàn dữ liệu cho người dùng, bảo vệ quyền riêng tư của mỗi người mà không làm tổn hại đến dòng chảy dữ liệu - vốn là huyết mạch của nền kinh tế số. Do vậy, bài toán chính sách là tìm một điểm cân bằng giữa trao đổi dữ liệu (gồm dữ liệu cá nhân và dữ liệu xuyên biên giới), bảo vệ được an toàn an ninh mạng và quyền lợi của người dùng.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), Việt Nam nên đặt mục tiêu kép, thúc đẩy được dòng chảy dữ liệu tự do để phục vụ phát triển kinh tế số, đồng thời đảm bảo được an toàn và quyền riêng tư dữ liệu cho người dùng.

“Một hệ thống chính sách đa công cụ có thể sẽ phục vụ tốt cho Việt Nam, hơn là thuần túy dựa vào các luật lệ và quy định cứng - vốn đặt ra thách thức lớn về năng lực thực thi. Bên cạnh biện pháp cứng, thì các biện pháp bổ trợ gồm tiêu chuẩn mềm mang tính khuyến khích doanh nghiệp tự tuân thủ như tiêu chuẩn an toàn dữ liệu, các giải pháp công nghệ giúp bảo vệ dữ liệu tốt cần được cân nhắc áp dụng”, ông Đồng đề xuất.

Dưới góc độ pháp luật, bà Chu Thị Hoa, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) nêu vấn đề: “Dữ liệu trở thành loại tài nguyên giá trị trong kỷ nguyên số, thậm chí được ví von như nguồn dầu mỏ đặc biệt trong nền kinh tế số. Tuy nhiên, có những câu hỏi đặt ra, ai là người sở hữu dữ liệu cá nhân, ai sẽ là người có quyền bán hay mua những thông tin đó? Thông tin cá nhân thu thập được bị tiết lộ đến đâu là quá giới hạn? Đây là những câu hỏi lớn mà hệ thống pháp luật Việt Nam chưa giải đáp được”.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho hay, Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, mục tiêu đưa dữ liệu của người Việt về lưu trữ ở Việt Nam, hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc tế, quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và quốc tế.

Để giải bài toán này rất cần có một “sợi dây thừng” pháp lý. Song song là các giải pháp “mềm như bánh mỳ” để khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ cuộc chơi. Có như vậy, việc khai thác, bảo vệ và đảm bảo lợi ích các bên mới có thể đạt hiệu quả cao.
Tin liên quan
Tin khác