Ngày 28/3, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị tổng kết về chuyển đổi số và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Năm 2024, Hà Nam đứng đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nam xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về chuyển đổi số đạt kết quả nổi bật. Tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng cấp tỉnh đạt 100%, cấp huyện đạt 95%, cấp xã đạt 80%; hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 84,6%.
Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tổ chức, cá nhân nộp thuế điện tử đạt 99%. 89% người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán. 90% thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh. Dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử đạt 96%...
![]() |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng phát biểu tại hội nghị. |
Năm 2024, việc triển khai thực hiện Đề án 06 cũng được các sở, ngành, đơn vị, địa phương tích cực triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả. Trong 39 mô hình của Đề án 06 được triển khai thực hiện, có 29 mô hình mang lại hiệu quả (9 mô hình được nêu điển hình để các đơn vị trong toàn quốc học tập).
Việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội đạt kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. 11 loại hệ thống phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của các sở, ngành.
Tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp nhận căn cước công dân thay thế thẻ bảo hiểm y tế; 100% trường học thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. 97,5% công dân được cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp và thẻ căn cước...
Năm 2025, Hà Nam đặt mục tiêu lớn cho việc chuyển đổi số, với mong muốn mang lại sự tiện lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Tỉnh phấn đấu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến, giúp mọi người dễ dàng tiếp cận và sử dụng mà không cần đến trực tiếp các cơ quan hành chính. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất giữa các nền tảng, hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thông qua định danh điện tử VneID đạt 100%;
Hà Nam cũng đặt mục tiêu 100% nhiệm vụ của UBND tỉnh được theo dõi, giám sát và đánh giá bằng dữ liệu số, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, với tỷ lệ 100% ở cấp tỉnh, 95% ở cấp huyện và 80% ở cấp xã.
Sản phẩm trưng bày của doanh nghiệp tại Hội nghị tư vấn giải pháp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Nam |
Để Hà Nam đạt được mục tiêu chuyển đổi số và Đề án 06 trong năm 2025, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Vượng đã đưa ra những chỉ đạo cụ thể: Thành lập các ban chỉ đạo và tiểu ban chuyên trách, phân công rõ ràng nhiệm vụ để đảm bảo công việc được triển khai hiệu quả; yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, Đề án 06 và cải cách hành chính, tập trung vào việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số và đô thị thông minh.
Những nhiệm vụ cụ thể được đặt ra như nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, triển khai trợ lý ảo để hỗ trợ thủ tục hành chính, số hóa kết quả giải quyết thủ tục, miễn phí dịch vụ công trực tuyến, phát triển khu công nghệ cao, thu hút đầu tư vào ngành công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử, nâng cấp hạ tầng số và trung tâm giám sát thông minh, xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và triển khai đô thị thông minh tại Phủ Lý.
Sở Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì đề xuất chính sách miễn phí dịch vụ công trực tuyến, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số. Công an tỉnh số hóa hồ sơ đảng viên. Sở Tài chính đảm bảo kinh phí cho các dự án chuyển đổi số và Đề án 06. Các đơn vị khác phải hoàn thành nhanh chóng các nhiệm vụ đang triển khai, đặc biệt là các dự án quan trọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Chính trị.