Mục tiêu của V-itasco là thoát khỏi “vòng tay” của Vinacomin nhưng sẽ vẫn sử dụng thương hiệu Vinacomin trong thời gian tới |
Quyết ra ở riêng
Vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại và Dịch vụ Vinacomin (V-itasco) thể hiện việc muốn “ra ở riêng” thông qua việc lấy ý kiến cổ đông để thôi không làm công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nữa.
Theo đó, V-itasco đề nghị cổ đông biểu quyết về việc xóa bỏ điều khoản trong Điều lệ Công ty, trong đó có quy định Tập đoàn Vinacomin có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm đa số thành viên Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc công ty.
Nội dung thứ 2 được đưa ra biểu quyết là sửa đổi điều khoản trong Điều lệ quy định rằng “Hội đồng Quản trị lựa chọn trong số các thành viên Hội đồng là người đại diện phần vốn của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam để bầu ra Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty” thành: “Hội đồng Quản trị phải lựa chọn trong số các thành viên của mình để bầu ra một Chủ tịch và các Phó chủ tịch”.
Những nội dung điều chỉnh trên đều bộc lộ khá rõ mục tiêu của V-itasco là thoát khỏi “vòng tay” của Vinacomin. Điều này cũng cho thấy sự trưởng thành “đủ lông đủ cánh”, đồng thời cũng chủ động hơn trong mọi quyết định. Tuy nhiên, Công ty cũng sẽ không còn lợi thế được bao bọc bởi một tập đoàn hùng hậu và nhiều thế lực là Vinacomin.
Vẫn gắn mác Vinacomin
V-itasco là công ty có vốn điều lệ 125,99 tỷ đồng, hiện đang giao dịch ở sàn UPCoM với mã là ITS, phần vốn nhà nước chiếm 36% do Vinacomin nắm giữ. Theo Đề án Tái cơ cấu Vinacomin, V-itasco nằm trong số các doanh nghiệp mà Nhà nước dự kiến sẽ thoái toàn bộ vốn. Bản thân V-itasco cũng đang bận rộn với hoạt động tái cơ cấu, trong năm 2015 và 2016, V-itasco cũng đã thoái vốn tại một số công ty liên kết, nhờ vậy kết quả kinh doanh có sự tiến bộ rõ rệt.
Việc chia tay với Vinacomin cũng chính là một trong những hành động mà cả Vinacomin và V-itasco phải thực hiện trong việc hoàn tất lộ trình tái cơ cấu của cả 2 doanh nghiệp này. Theo đó, V-itasco xác định sẽ buộc phải đi lên bằng nội lực, chứ không còn trông chờ vào sự hỗ trợ từ công ty mẹ như trước kia.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn mới đây, ông Thiều Quang Thảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị V-itasco cho biết, cho dù không còn là công ty con của Vinacomin, V-itasco sẽ vẫn tiếp tục sử dụng thương hiệu Vinacomin để phục vụ các hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Việc sử dụng này sẽ được thực hiện theo hình thức hợp đồng nhượng quyền có trả phí.
Việc rời khỏi vòng tay mẹ những ngay đầu chắc chắn sẽ là thử thách không nhỏ với V-itasco, đặc biệt trong bối cảnh “sức khỏe” của doanh nghiệp này chưa hoàn toàn cứng cáp. Lợi nhuận sau thuế của Công ty năm 2016 đã sụt giảm mạnh so với năm trước, chỉ đạt chưa đến 1,6 tỷ đồng, trong khi năm 2015 là hơn 9 tỷ đồng. Ngoài ra, tình trạng nợ nần đến cuối 2016 cũng khá cao, với gần 732 tỷ đồng, cao gấp 5,2 lần so với vốn chủ sở hữu 140 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý là nợ ngắn hạn của V-itasco chiếm đa số, với 729 tỷ đồng, trong đó 2 khoản lớn nhất là phải trả người bán với gần 246 tỷ đồng và vay ngắn hạn với hơn 367 tỷ đồng. Để trang trải các khoản nợ này, những nguồn chính là V-itasco có thể trông cậy là các khoản phải thu của V-itasco lên tới hơn 410 tỷ đồng và 538 tỷ đồng hàng tồn kho.
Rõ ràng, thời gian tới V-itasco sẽ phải đẩy mạnh việc thu nợ và bán hàng để tạo dòng tiền, việc này không chỉ nhằm tạo nguồn trả nợ mà cũng là việc cần thiết nhằm giảm áp lực về chi phí tài chính.