Dỡ ra làm lại
Cho đến thời điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu tiên cho ý kiến về đề xuất tái cấu trúc Dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT). Trước đó, cuối tháng 8/2016, Bộ GTVT đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ một loạt thay đổi liên quan đến cấu trúc của Dự án nhằm mở ra lối thoát mới cho tuyến cao tốc “đi trước nhưng vẫn chưa thể hẹn ngày về đích” này.
Cần phải nói thêm rằng, sau tròn 9 năm khởi động, Dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết gần như đứng yên tại chỗ, dù đã từng tiệm cận mục tiêu khởi công xây dựng sau các đợt roadshow quốc tế rầm rộ để lựa chọn nhà đầu tư thứ hai vào năm 2013.
Sau tròn 9 năm khởi động, Dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết gần như đứng yên tại chỗ. Ảnh: Đ.N |
Tại Văn bản số 7681/BKHĐT-QLĐT gửi Văn phòng Chính phủ vào tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thể hiện sự đồng thuận cao đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai phương án tách dự án có tổng mức đầu tư lên tới hơn 1 tỷ USD này thành 2 hợp phần.
Trong thay đổi lớn đầu tiên liên quan đến cấu trúc của Dự án, Hợp phần 1 - đầu tư đoạn 36 km đầu tuyến từ Dầu Giây đến Quốc lộ 1 sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Hợp phần 2 - đoạn còn lại dài 62 km sẽ tiếp tục được đầu tư theo hình thức PPP; nhà đầu tư được vận hành, thu phí toàn bộ hơn 98 km.
Theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với điều kiện khó khăn về thị trường vốn trong nước như hiện nay, việc tạo điều kiện thuận lợi để tăng tính khả thi cho Dự án, thu hút được các nhà đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế là cần thiết.
Bên cạnh đó, một điểm nhấn đáng chú ý nữa trong Văn bản 7681/BKHĐT-QLĐT là Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục bảo lưu quan điểm xem xét, bãi bỏ mô hình nhà đầu tư thứ nhất của Bitexco. Bitexco sẽ được hoàn trả phần kinh phí chuẩn bị đầu tư - nguồn vốn thanh toán sẽ do Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành xác định, lên phương án.
Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện hợp phần PPP sẽ phải khởi động lại từ đầu. Song theo các chuyên gia, đây vẫn là phương án có tính khả thi cao nhất để có thể tạo những bước tiến mạnh mẽ cho công trình.
Bỏ cơ chế thí điểm
Được biết, trong định hướng chuyển đổi khoản vay từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) sang vay Ngân hàng quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRD) - đều thuộc Ngân hàng Thế giới, Bộ GTVT đề xuất tiếp tục thực hiện cơ chế cấp phát do nguồn thu của Dự án không đủ để trả nợ. Các phương án tài chính hiện nay cho công trình đều được xác định trên cơ sở không bao gồm lãi vay của khoản vay IBRD.
Đối với thay đổi này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, về bản chất, Hợp phần 1 được Nhà nước đầu tư để tăng tính khả thi cho Dự án, giảm gánh nặng chi phí xây dựng cho nhà đầu tư. Do đó, có thể xem xét các điều kiện để áp dụng cơ chế cấp phát nhằm tạo thuận lợi hơn cho Dự án, cũng như gia tăng hấp lực thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Trường hợp phải áp dụng cơ chế cho vay lại hoặc vay lại một phần, Bộ GTVT tính toán cụ thể và so sánh phương án tài chính có tính đến lãi vay của khoản vay IBRD với các phương án tài chính đang được đề xuất, đồng thời làm việc với Bộ Tài chính nghiên cứu cách thức sử dụng nguồn vốn này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Nếu không thống nhất được cơ chế tài chính trong nước đối với khoản vay IBRD, để gỡ bí cho Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thuận với Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép phát hành trái phiếu chính phủ chung trong Đề án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được triển khai theo hình thức thiết kế - xây dựng - tài trợ - vận hành - bảo dưỡng và chuyển giao sau 30 năm. Đây là dự án hạ tầng giao thông thí điểm theo hình thức PPP đầu tiên tại Việt Nam sử dụng nguồn lực từ khu vực tư nhân, có sự tham gia vốn của Nhà nước để đảm bảo tính khả thi về tài chính của dự án (VGF) nhằm đảm bảo sự hấp dẫn của dự án đối với các nhà đầu tư tư nhân theo Quyết định số 1597/2012/QĐ-TTg về Cơ chế Quản lý và thực hiện Dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP.
Tuy nhiên, do triển khai quá chậm trong khi khung chính sách hiện nay về PPP đã khá đầy đủ và rõ ràng, nên cơ chế thí điểm đối với Dự án là không cần thiết. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị bãi bỏ Quyết định số 1597, đồng thời khẩn trương triển khai Dự án theo khung pháp lý hiện hành theo hướng thu hút đầu tư từ thị trường vốn quốc tế”, Văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.