Tiêu dùng
Chiến lược đẩy mạnh phát triển thương hiệu và giá trị cho hàng Việt Nam
Linh Nguyễn - 27/03/2025 20:48
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" không còn là phong trào, mà đã trở thành chiến lược kinh tế dài hạn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn thể người dân.

Siết chặt kiểm soát thị trường

Một trong những thách thức lớn nhất đối với hàng Việt Nam là sự xuất hiện tràn lan của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đây là yếu tố làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, khiến họ tìm đến sản phẩm nhập khẩu thay vì ủng hộ hàng nội địa.

Để giải quyết vấn đề này, năm 2025 Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tập trung đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong hệ thống Công đoàn thông qua tăng cường tuyên truyền đổi mới sáng tạo trên đa dạng hình thức, đặc biệt trên nền tảng số nhằm quảng bá sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu Việt và tạo điều kiện tiếp cận cho người lao động.

Đồng thời, khuyến khích sử dụng hàng Việt chất lượng, ưu tiên nguyên liệu nội địa và mua sắm công bằng hàng Việt, gắn kết với phong trào thi đua sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng kêu gọi các cấp Công đoàn phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng được triển khai nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Các tổ chức Công đoàn đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát hoạt động mua sắm công, đảm bảo các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước ưu tiên hàng Việt Nam, đặc biệt đối với các sản phẩm công nghệ cao, nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức giúp doanh nghiệp Việt kết nối sản phẩm nội địa với người tiêu dùng.

Mặc dù hàng Việt Nam đã có nhiều cải thiện về chất lượng, nhưng vẫn còn khoảng cách lớn về mặt thương hiệu và tiếp thị so với sản phẩm ngoại nhập. Một trong những giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thương hiệu Việt trên các nền tảng số, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội để tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng trong nước lẫn quốc tế.

Tại Lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2025, Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan gửi gắm thông điệp rằng: “Chúng ta không thể chỉ bán sản phẩm, mà phải bán một câu chuyện. Câu chuyện về lý do vì sao sản phẩm ra đời, về giá trị mà nó mang lại cho cộng đồng. Đó có thể là câu chuyện về sức khỏe, về dinh dưỡng hoặc về trách nhiệm bảo vệ môi trường”.

Hỗ trợ doanh nghiệp nội địa

Yếu tố quan trọng để thúc đẩy hàng Việt Nam phát triển là xây dựng một hệ sinh thái doanh nghiệp mạnh mẽ và liên kết chặt chẽ. Theo Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Việt Nam sở hữu một hệ sinh thái doanh nghiệp đa dạng, bao gồm các tập đoàn lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các công ty khởi nghiệp. Việc tạo ra một môi trường hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp với nhau sẽ giúp hàng Việt tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Tận dụng lợi thế này, Liên đoàn lao động Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp ưu tiên sử dụng nguyên liệu nội địa, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đồng thời thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao vai trò của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao và Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) trong việc hỗ trợ khởi nghiệp, tư vấn chính sách và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với thị trường trong nước và quốc tế. 

“Để hàng Việt có thể cạnh tranh với thế giới, cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo”, ông Hoan cho hay.

Một trong những xu hướng không thể bỏ qua trong giai đoạn hiện nay là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất và kinh doanh. AI có thể giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và tối đa hóa trải nghiệm khách hàng. AI sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa sản phẩm, từ nghiên cứu đến sản xuất. 

Việc áp dụng AI không chỉ giúp các doanh nghiệp tăng năng suất mà còn hỗ trợ trong việc phân tích thị trường, dự đoán xu hướng tiêu dùng và phát triển chiến lược kinh doanh hiệu quả. Đây sẽ là kim chỉ nam để hàng Việt nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Bên cạnh đổi mới công nghệ, xu hướng tiêu dùng xanh cũng đang trở thành yếu tố quan trọng quyết định sức cạnh tranh của sản phẩm Việt. Người tiêu dùng ngày nay ngày càng ưa chuộng những sản phẩm có trách nhiệm với môi trường, sử dụng nguyên liệu tái tạo và có quy trình sản xuất thân thiện với hệ sinh thái.

Các doanh nghiệp Việt cần nắm bắt cơ hội này bằng cách đẩy mạnh sản xuất xanh, giảm thiểu tác động đến môi trường và hướng đến phát triển bền vững. Điều này không chỉ giúp hàng Việt củng cố vị thế trong nước mà còn dễ dàng tiếp cận các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan kỳ vọng, trong 5 năm tới, sẽ có nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ra đời, tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển những sản phẩm và dịch vụ chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và hội nhập quốc tế.

Tin liên quan
Tin khác