Cuộc đấu tranh chính nghĩa
Đó là một đoạn trong bài viết đăng trên tờ báo hàng đầu Nhật Bản, tờ Asahi Shimbun vào ngày 29/4/2006 – khi Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 đã trôi qua hơn 3 thập kỷ. Qua lời kể của các nhân chứng, những người đã trực tiếp tham gia trong cuộc chiến ở cả hai chiến tuyến, bài báo đã tái hiện cuộc chiến đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam trước quân xâm lược Mỹ, với mốc son chói lọi là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đó chỉ là một trong số hàng ngàn, hàng vạn bài viết, bản tin mà dư luận thế giới nhắc đến sự kiện Việt Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975, không chỉ ngay sau chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mà là nhiều thập kỷ, là suốt chiều dài lịch sử sau đó, bởi đó là chiến thắng của chính nghĩa, vượt ra khỏi ý nghĩa một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, trở thành một trang chói lọi của lịch sử thế giới và mang ý nghĩa thời đại sâu sắc.
TP.HCM đã có nhiều thay đổi ấn tượng sau 41 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. |
Đó là cuộc chiến khép lại một giai đoạn bi tráng, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất, cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhìn lại hành trình cuộc chiến đấu trường kỳ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tình cảm sâu nặng, thiết tha “miền Nam trong trái tim tôi”; với tầm nhìn chiến lược uyên bác, ngay từ những ngày đầu tiên về lại Thủ đô đã tính đến việc củng cố miền Bắc, chuẩn mọi mặt cho cuộc đấu tranh lâu dài, thống nhất đất nước, bởi “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”.
Cho đến những ngày sắp đi xa, Bác Hồ vẫn giữ một niềm tin sắt đá: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.
Với tư tưởng độc lập, tự do, thống nhất non sông của Người, với sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh to lớn của toàn dân, toàn quân Việt Nam đã vượt bao đau thương, gian khổ, làm nên những chiến công vang dội. Đó là chiến dịch Tết Mậu Thân 1968; cuộc Tiến công chiến lược năm 1972; trận “Điện Biên Phủ trên không” đánh bại âm mưu “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá” trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972, buộc Mỹ quay lại bàn đàm phán ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam...
Sau Hiệp định Paris, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc chuyển biến mau lẹ, với khí thế “một ngày bằng hai mươi năm”. Đứng trước thời cơ chiến lược mới, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng hạ quyết tâm động viên sức mạnh cao nhất của cả nước, kiên quyết giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Và thời khắc lịch sử đã tới. Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng phấp phới tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn; Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng; miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối.
Báo cáo Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn trình bày tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng ngày 14/12/1976 đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
“Chiến lược của Giáp là hòa bình”
Trở lại với bài viết trên báo Asahi Shimbunra ngày 29/4/2006, những dòng chữ cảm động về lòng nhân đạo của nữ du kích quân giải phóng đó cũng chính là trái tim của bài viết, rằng người Việt Nam đã dũng cảm đứng lên trong cuộc đấu tranh chính nghĩa, giành lại quyền sống của nhân dân, nền độc lập của nước nhà, nhưng họ đã giành lấy vinh quang đó bằng tất cả sự nhân đạo, nhân ái của mình. Và tác giả đã bắt đúng dòng máu trong trái tim nhân ái đó làm nhan đề của bài báo: “Việt Nam: Vinh quang và thiện ý”.
Không phải ngẫu nhiên, mà tờ báo hàng đầu ở một quốc gia đồng minh thân cận với Hoa Kỳ như Nhật Bản dành những lời đánh giá đó đối với Không phải ngẫu nhiên, mà dư luận thế giới dành những lời thán phục, tôn vinh cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Có điều đó, bởi ngay trong lòng cuộc chiến, suốt chiều dài cuộc chiến, người Việt Nam đã luôn thể hiện sự cao thượng, nhân văn, chính nghĩa của mình.
Sau này, chính người Mỹ đã phải thừa nhận điều đó. Trong tài liệu Tổng kết chiến tranh Việt Nam, Bộ Quốc phòng Mỹ rút ra kết luận rằng, “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nắm được ngọn cờ dân tộc và chống thực dân, do đó, Chính phủ Việt Nam cộng hoà chỉ còn lại ngọn cờ chống Cộng”. Điều đó lý giải một cách thuyết phục nguyên nhân thất bại của đế quốc Mỹ tại một đất nước nhỏ bé, đất không rộng, người không đông, tiềm lực kinh tế và quân sự đều ở một khoảng cách khá xa so với nước Mỹ hùng mạnh bậc nhất thế giới.
Còn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara, khi bàn về thất bại tại Việt Nam của Mỹ - một đất nước trong 200 năm lập quốc chưa từng nếm mùi thất bại, trong cuốn Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và bài học Việt Nam đã thừa nhận sai lầm của nước Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Đó là do Mỹ đã quá tin tưởng vào sức mạnh quân sự - kỹ thuật, “đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy nhân dân Việt Nam đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó”.
Nhưng vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có lẽ đã nhận ra điều đó quá muộn. Chỉ vài ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã vào Sài Gòn, thị sát Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn. Ông chứng kiến cơ sở vật chất kỹ thuật đồ sộ của địch, như hệ thống máy tính hiện đại địch dùng xác định các vị trí của “Việt Cộng”. Đó là một hệ thống cho thấy sức mạnh tổng hợp khổng lồ của quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn. Và ông rút ra kết luận: “Tất cả thiết bị hiện đại đều vô ích. Nhân tố con người là quyết định” (Cuốn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Danh tướng thế kỷ XX” qua tư liệu nước ngoài - NXB Quân đội Nhân dân, 2011).
Cũng theo cuốn sách đã dẫn, vào cuối năm 1975, sau Chiến thắng 30/4 không lâu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang Algeria nhân ngày lễ Độc lập của nước này. Tại đây, ông đã gặp Zbigniew Brzezinski – người chuẩn bị làm Cố vấn An ninh cho Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Vị cố vấn an ninh tương lai bày tỏ lòng khâm phục nhân dân Việt Nam dũng cảm và đặt nhiều câu hỏi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nghệ thuật quân sự. Câu trả lời của Đại tướng - Tổng tư lệnh là: “Ngài hãy nói với Mỹ rằng, chiến lược của Giáp là chiến lược hòa bình, độc lập và tự do. Người Việt Nam không muốn chiến tranh. Người ta đã buộc chúng tôi phải tiến hành chiến tranh để tự vệ. Chúng tôi là dân tộc yêu chuộng hòa bình nhất thế giới”.
Hơn 4 thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày Đại thắng mùa Xuân 1975. Dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam kiên cường, anh dũng trong chiến tranh ái quốc lại tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, vượt qua những gian nan, thử thách, tiến hành thành công công cuộc Đổi mới, hội nhập, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Trong chặng đường đó, lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc không thể bị xóa mờ. Nhưng nhân dân Việt Nam - với bản chất nhân văn, hòa hiếu, đã và đang cùng nhân dân Mỹ gác lại quá khứ đau thương, cùng nhau hòa giải và hòa hợp, hợp tác để phát triển, vì lợi ích chính đáng của nhân dân mỗi nước, với tinh thần giữ vững chủ quyền thiêng liêng, đặt độc lập dân tộc, quyền và lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết.Mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang một lần nữa chứng minh cho thế giới thấy một Việt Nam anh hùng trong đấu tranh cách mạng, bản lĩnh, trí tuệ trong đổi mới, hội nhập, luôn vươn tới vinh quang nhưng không bao giờ thiếu “thiện ý”, nhân văn.