Ông Trump đã tuyên bố sẽ đánh thuế đối với 11 tỷ USD hàng nhập khẩu từ các nước EU. (Nguồn: AFP) |
Đó là thông điệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi tới các nhà hoạch định chính sách kinh tế đang tập trung tại Washington trước thềm cuộc họp được diễn ra hôm nay (ngày 10/4) của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với mối đe dọa mới nhất về việc áp thuế đối với 11 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Mỹ ngầm phát đi tín hiệu khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kết thúc, sẽ có một cuộc chiến thương mại khác nhắm vào EU.
Ông Trump sẽ “chơi theo luật”
Lần đầu tiên Mỹ đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về những khoản trợ cấp bất hợp pháp mà EU dành cho hãng Airbus. Washington cáo buộc hãng sản xuất máy bay này đang làm lợi từ trợ cấp chính phủ. Thêm vào đó, Mỹ cũng sẽ chấm dứt cuộc chiến kéo dài 14 năm giữa Boeing và đối thủ châu Âu tại WTO.
Giám đốc Viện Cato tại Washington Simon Lester cho biết, có thể đó là tin tốt cho WTO. Cuộc chiến Airbus - Boeing xảy ra từ trước khi ông Trump đảm nhiệm vai Tổng thống và sẽ là công bằng khi nói rằng bất kỳ chính quyền nào của Mỹ cũng sẽ sẵn sàng sử dụng cơ chế trừng phạt thuế quan của WTO. Chính quyền ông Trump đã được đưa ra một số tín hiệu trái chiều về WTO, nhưng hành động này cho thấy họ vẫn coi trọng việc “chơi theo luật”.
Điều này khác hoàn toàn với cách ông Trump đã làm trong cuộc chiến thương mại kéo dài một năm với Trung Quốc. Cụ thể, mức thuế Washington áp vào 250 tỷ USD hàng hóa của Bắc Kinh đã hoàn toàn bỏ qua WTO. Hay việc Mỹ cũng đã có hành động đơn phương vào năm ngoái về việc áp thuế đối với thép và nhôm nước ngoài, khiến EU thực hiện thuế trả đũa đối với 2,8 tỷ Euro (3,2 tỷ USD) hàng nhập khẩu của Mỹ.
Hiện tại, ông Trump đang có vấn đề sâu sắc hơn với EU. Ngày 9/4, ông Trump khẳng đinh trên Twitter: "WTO xác định EU trợ giá cho Airbus đã ảnh hưởng tiêu cực đến Mỹ. Mỹ sẽ áp thuế lên 11 tỷ USD hàng hóa EU. EU đã lấy mất lợi thế của Mỹ trong thương mại suốt nhiều năm. Điều này sẽ sớm phải dừng lại".
Tuyên bố của ông Trump cũng là diễn biến mới nhất trong tình hình căng thẳng thương mại leo thang giữa Washington và EU, vốn đã bùng nổ từ năm 2017, khi ông Trump lên nắm quyền.
Vấn đề này đang đe dọa trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu. IMF dự đoán, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính một thập kỷ trước. Vấn đề này cũng ảnh hưởng trực tiếp vào hệ thống thương mại toàn cầu, gây tổn hại đến đầu tư và niềm tin của giới kinh doanh.
Trước đó, Mỹ và EU đã duy trì một thỏa thuận kể từ tháng 7/2018 khi cả ông Jean-Claude Juncker - Chủ tịch Ủy ban châu Âu và ông Trump đồng ý tiến hành các cuộc đàm phán về giảm thuế công nghiệp. Động thái này giúp trì hoãn lời đe dọa ông Trump nhằm áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu ô tô và phụ tùng từ EU.
Nhưng các cuộc đàm phán vẫn chưa được chính thức tiến hành với 28 thành viên EU. Hơn nữa, ông Trump sẽ phải quyết định vào tháng 5/2019 về cách ông muốn tiến hành thuế quan với ô tô như thế nào, mặc dù các quan chức Nhà Trắng đã nói với các đối tác châu Âu rằng nhiều khả năng việc áp thuế có thể bị trì hoãn.
Nếu không chỉ có EU?
Tuy nhiên, trước tình thế thương mại quốc tế đang bất ổn như hiện nay, một câu hỏi đặt ra rằng liệu EU có phải là duy nhất trong tầm ngắm của Tổng thống Trump?
Tuần tới, một phái đoàn Tokyo sẽ đến Washington để bắt đầu đàm phán về thỏa thuận song phương với Mỹ về vấn đề các công ty và nông dân Mỹ đang kêu gọi để bù đắp cho quyết định của ông Trump khi ông quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Bên cạnh đó, thỏa thuận giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 9/2018 đã đề cập đến thuế quan của cả hàng hóa và dịch vụ. Mối đe dọa về thuế quan này có thể sẽ ảnh hướng lớn đến nền kinh tế Nhật Bản và buộc Tokyo đến bàn đàm phán.
Canada và Mexico cũng đang tiếp tục thúc đẩy Mỹ dỡ bỏ các thuế quan đối với thép và nhôm và ba nước đang đi đến một thỏa thuận thương mại mới nhằm thay thế cho Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ấn Độ cũng đang đe dọa áp thuế đối với sản phẩm táo của Mỹ và các sản phẩm khác để trả đũa khi ông Trump muốn loại bỏ nước này ra khỏi kế hoạch thương mại ưu đãi cho các quốc gia đang phát triển.
Tất cả những vấn đề liên quan đến thương mại quốc tế giữa các quốc gia trên vẫn mang đến rủi ro cho kinh tế toàn cầu và nhiều điều không chắc chắn. Liệu EU, Ấn Độ hay Mexico sẽ “thế chân” Trung Quốc?