Thời sự
Chiều nay, Chủ tịch Quốc hội đối thoại với người lao động
Nguyễn Lê - 28/07/2023 09:35
Đại diện cử tri là đoàn viên công đoàn sẽ đề xuất, kiến nghị với Quốc hội về chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn. Ảnh:Quochoi.vn

Chiều nay (28/7) tại phòng Diên Hồng, nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội sẽ chủ trì Diễn đàn Người lao động năm 2023.

Diễn đàn được tổ chức nhằm mục đích để đại diện cử tri là đoàn viên công đoàn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội về chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn.

Đây cũng là dịp để cử tri đề xuất ý tưởng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và nhiệm kỳ 2021 -2026.

Việc tổ chức diễn đàn tiếp tục khẳng định sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội trong hoạt động tiếp xúc cử tri đa dạng, phong phú, hiệu quả, ngày càng gần hơn với cử tri, người lao động.

Theo kế hoạch, Diễn đàn có sự tham dự của 550 đại biểu với chủ tọa là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, một số phó chủ tịch, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Gần 50 đại biểu là các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; một số đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương; đại diện lãnh đạo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương liên quan; Thường trực Đoàn Chủ tịch và các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn sẽ tham dự.

Đặc biệt, tham dự diễn đàn có 500 đại biểu là đại diện Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương tương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.

Tại diễn đàn, lãnh đạo Tổng Liên đoàn sẽ báo cáo tổng hợp tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của công nhân, lao động, sau đó đại diện người lao động sẽ phát biểu, bày tỏ tâm tư nguyện vọng, đại diện lãnh đạo các bộ ngành sẽ giải đáp.

Diễn đàn Người Lao động năm 2023 tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: Người lao động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất các ý tưởng, giải pháp và khẳng định quyết tâm vượt mọi khó khăn trước mắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng pháp luật, thể chế về vấn đề tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động; các giải pháp phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con của người lao động; vấn đề bảo hiểm xã hội và phúc lợi cho người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Công tác giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan; phản ánh thực tiễn thi hành, góp ý đối với các dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Đất đai…

Các nội dung gợi mở của Chủ tịch Quốc hội; nội dung trao đổi, thảo luận trực tiếp giữa Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ, Ngành ở Trung ương với đoàn viên công đoàn, người lao động theo các nhóm vấn đề nêu trên.

Sau phát biểu gợi mở, đề dẫn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp điều hành phần trao đổi, thảo luận và phát biểu kết luận.

Tại diễn đàn, lãnh đạo Quốc hội cũng sẽ trao quà cho 20 đoàn viên, người lao động có thành tích xuất sắc và 30 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu bấm nút khởi động Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc năm 2023; ký Lá cờ và trái bóng chính thức tại Lễ phát động Giải bóng đá.

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn, tình hình việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động gặp nhiều khó khăn: Có hơn 500 ngàn người lao động bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương. Thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng, tăng 7,6%, tương ứng tăng 497 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do tăng lương tối thiểu vùng3 và thu nhập ngoài lương trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

Tình trạng doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Trong thời gian qua, có gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động; số tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn hơn 4.000 tỷ đồng.
Tin liên quan
Tin khác