Ngân hàng - Bảo hiểm
Chỉnh đốn thị trường trái phiếu doanh nghiệp thế nào cho phù hợp?
T.L - 25/05/2022 17:21
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc siết TPDN thời gian qua khiến các dự án cũ không thể tiếp tục, dự án mới không thể phát triển, thị trường trái phiếu đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, với doanh nghiệp bất động sản, TPDN là kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng hơn cả ngân hàng. Việc siết chặt thị trường này trong khi khoảng 540 nghìn tỷ đồng TPDN sắp đáo hạn, mà cách làm không phù hợp có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Bộ Tài chính đang chuẩn bị chương trình thanh tra nhiều công ty kiểm toán và công ty chứng khoán. Theo tôi, đáng lẽ, cơ quan chức năng phải rà soát thường xuyên để biết "bệnh" thị trường và có giải pháp kịp thời", TS Lê Xuân Nghĩa bình luận.

Theo chuyên gia này, điều quan trọng nhất là phải nâng tính công khai minh bạch của thị trường, xây dựng chế tài xử phạt đủ mạnh (ví dụ, có thể nâng mức xử phạt lên 1.000 tỷ đồng với nhà đầu tư lũng đoạn thị trường), xây dựng các định chế xây dựng thị trường (nếu thị trường xuống thì có định chế mua vào để thị trường lên, nếu thị trường lên quá nóng thì bán ra cho thị trường đi xuống),  xếp hạng tín nhiệm trái phiếu…

Nhìn từ khía cạnh khác, TS. Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chỉ ra mối nguy nhìn từ nguyên nhân TPDN riêng lẻ bùng nổ, đó là mối quan hệ sân sau ngân hàng trong phát hành trái phiếu.

Theo ông Hòe, sở dĩ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản bùng nổ thời gian qua là do câu chuyện giữa ông chủ nhà băng với công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

"Hiện nay có xu hướng các ông chủ bất động sản thôn tính một vài ngân hàng, một số tập đoàn bất động sản mua lại ngân hàng để sẵn sàng trở thành kênh huy động vốn trái phiếu cho mình. Nên dẫn đến việc các doanh nghiệp bất động sản phát hành được rất nhiều trái phiếu. Có một ngân hàng đứng ra làm đại lý phát hành, công ty chứng khoán của ngân hàng tư vấn, chi nhánh quản lý tài sản bảo đảm. Như vậy đã tạo thành quy trình khép kín, nhưng rất rủi ro cho cân đối tài chính”, ông Hòe cho biết.

Việt Nam đã có những tập đoàn tài chính, câu hỏi đặt ra là: ngân hàng nắm giữ các công ty tài chính hay ngược lại. Câu chuyện ở đây là cơ chế giám sát và cơ chế vốn như thế nào?
Chuyên gia này cảnh báo: “Nếu cứ buông lỏng như hiện nay, nguy cơ tập đoàn tài chính ở Việt Nam giống chaebol (tập đoàn tài phiệt Hàn Quốc) là hiện hữu".
Tin liên quan
Tin khác