Dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ đang gấp rút được hoàn thiện để kịp đưa ra lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương… tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, dự kiến tổ chức vào tuần tới. Đây là bước chuẩn bị cần thiết cho năm 2021.
Dự thảo Nghị quyết số 01, nghị quyết mang tính xương sống, kim chỉ nam cho việc chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của năm 2021. |
Trên thực tế, năm nào vào thời điểm này, các bước chuẩn bị cho năm sau cũng được thực hiện. Dự thảo Nghị quyết 01 sẽ được dựng, đưa ra thảo luận để Chính phủ quyết nghị các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm sau. Tuy nhiên, năm nay, câu chuyện có phần đặc biệt hơn. Không phải chỉ vì 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm mới, mà còn vì chúng ta đang ở thời điểm rất đặc biệt.
Đại dịch Covid-19 khiến kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 2,6-3% trong năm 2020. Tuy đó là kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, song không thể phủ nhận đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Hơn nữa, nền kinh tế sắp bước vào năm 2021 với rất nhiều yếu tố bất định, khó dự báo, khi Covid-19 chưa có dấu hiệu được ngăn chặn trên toàn cầu, thậm chí còn lan rộng, bất chấp các nỗ lực của các nước trong việc đưa các loại vaccine vào thử nghiệm.
Không ai có thể dự báo một cách chắc chắn, liệu kinh tế toàn cầu và Việt Nam sẽ diễn ra như thế nào trong năm tới.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội mới đây đã quyết nghị nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trong năm 2021, theo đó tăng trưởng GDP ở mức 6%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng từ 45 đến 47%...
Không dễ để đạt được mục tiêu này trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Hơn thế, tính khó dự báo của nền kinh tế khiến việc xây dựng các kịch bản tăng trưởng trở nên khó khăn hơn. Điều này đòi hỏi phải có các biện pháp điều hành đặc biệt hơn, quyết liệt hơn, chủ động hơn và sẵn sàng thích ứng với bất kỳ cú sốc hay sự xoay chuyển nhanh chóng nào của nền kinh tế nếu điều đó xảy ra.
Dự thảo Nghị quyết số 01, nghị quyết mang tính xương sống, kim chỉ nam cho việc chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của năm 2021, vì thế càng trở nên quan trọng hơn. Đâu là trọng tâm, trọng điểm? Đâu là nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần phải thực hiện? Phương châm hành động trong năm tới là gì?...
Rất nhiều câu hỏi cần được đặt ra và cần được trả lời. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, bản dự thảo đầu tiên của Nghị quyết 01 đã được đưa ra thảo luận. Cuối tuần trước, Thường trực Chính phủ đã tiếp tục họp bàn về nội dung này.
Tại cuộc họp đó, nhiều ý kiến cũng đã được đưa ra, từ việc tiếp tục phương châm hành động thể hiện sự tăng cường kỷ luật, kỷ cương; tiếp nối và phát huy tinh thần đoàn kết trong thời gian qua, đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tiếp tục tháo gỡ cho các dự án tồn đọng…
Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tinh thần Chính phủ hướng về người dân, lo cho người dân về “công ăn việc làm”, thu nhập, an sinh xã hội… Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý rằng, trong Nghị quyết cần có các kịch bản tăng trưởng, có các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu, cụ thể hóa các giải pháp thúc đẩy “cỗ máy tăng trưởng”, bao gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng… Về phương châm hành động, thì phải làm sao thể hiện tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển, bởi không đổi mới, không có khát vọng phát triển thì khó tiến bước…
Rõ ràng, câu chuyện của năm 2021 không chỉ đơn thuần là tăng trưởng GDP 6% hay kiểm soát lạm phát 4%. Rất nhiều vấn đề cần tính đến và giải quyết thấu đáo. Bối cảnh đặc biệt của nền kinh tế đòi hỏi phải có một bản nghị quyết cũng đặc biệt.
Có một Nghị quyết số 01 trúng, đúng và thực hiện hiệu quả, chúng ta sẽ có một năm 2021 thành công hơn, bắt đầu tiến trình phục hồi nền kinh tế như dự báo của nhiều tổ chức quốc tế.