Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình của Chính phủ. |
Chiều 26/10 Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Thành phố bổ nhiệm chủ tịch quận
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong quá trình phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn gặp nhiều trở ngại, bất cập, chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, dân cư, địa giới hành chính,....
Theo đề xuất của Chính phủ về mô hình mới, chính quyền địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh gồm có Hội đồng nhân dân Thành phố và UBND Thành phố.
Chính quyền địa phương ở quận là UBND quận, còn chính quyền địa phương ở phường là UBND phường;
Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm: huyện, thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; xã, thị trấn) được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tại mô hình này, Chủ tịch UBND thành phố có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận. Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Chủ tịch UBND quận.
UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Chủ tịch UBND quận có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác Chủ tịch UBND phường, Phó Chủ tịch UBND phường trực thuộc và người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận; tuyển dụng, quản lý công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý theo phân cấp và quy định của pháp luật; ký các văn bản của UBND quận.
Kiểm soát quyền lực là yêu cầu quan trọng
Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết để quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại tờ trình, Chính phủ đề nghị xác định tên gọi của Nghị quyết là “Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh” để áp dụng trực tiếp, song song cùng Luật Tổ chức chính quyền địa phương trên địa bàn Thành phố mà không cần thực hiện thí điểm như đối với Thành phố Hà Nội và Đà Nẵng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, bên cạnh các ý kiến tán thành, loại ý kiến thứ hai đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh tương tự như đã quyết định đối với Thành phố Hà Nội và Đà Nẵng, vì thực chất là giống nhau.
"Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề quan trọng và cấp bách, là yếu tố có thể thúc đẩy, tạo bước chuyển lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển nói chung của Thành phố. Dù Nghị quyết của Quốc hội cho phép Thành phố thực hiện chính thức hay thí điểm thì đều là cơ sở pháp lý cần thiết để Thành phố có thể triển khai ngay mô hình chính quyền đô thị từ nhiệm kỳ sắp tới" - ông Tùng nêu rõ.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết tại kỳ họp thứ 10 theo trình tự, thủ tục rút gọn là phù hợp.
Báo cáo thẩm tra nêu rõ, với phạm vi diện tích tự nhiên rộng, quy mô dân số lớn nhất cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh thì vấn đề giám sát, kiểm soát quyền lực đối với chính quyền địa phương ở cơ sở là một yêu cầu hết sức quan trọng và việc giám sát thông qua hoạt động của HĐND vẫn là phương thức chủ yếu hiện nay. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ hơn việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND Thành phố để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt chức năng đại diện của người dân và việc kiểm soát quyền lực đối với chính quyền ở quận, phường.