Doanh nghiệp
Chính phủ sẽ thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Kỳ Thành - 28/12/2017 11:07
Trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018 tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 28/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ chuẩn bị thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giới thiệu dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018 (Ảnh VGP/Quang Hiếu)

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2018 đã đề ra 4 trọng tâm trong chỉ đạo điều hành và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong năm 2018.

Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, gồm 11 nhiệm vụ, giải pháp.

- Điều hành đồng bộ, hiệu quả các chính sách vĩ mô; phấn đấu giảm lãi suất cho vay; nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên; ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối..

- Tăng cường kỷ luật tài chính - NSNN; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn lậu thuế; triệt để tiết kiệm chi NSNN. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài sản công, nợ công. Đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; chấn chỉnh những bất cập trong các dự án BOT.

- Thúc đẩy xuất khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, nhất là kiểm tra chuyên ngành. Phát triển mạnh thị trường trong nước; xây dựng hệ thống phân phối đồng bộ và hiệu quả. Tiếp tục điều chỉnh theo lộ trình giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế. Phát triển thị trường bất động sản ổn định, bền vững.

- Tập trung cải cách thủ tục hành chính; tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh; thường xuyên đối thoại, kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hai là, tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá chiến lược, gồm 5 nhiệm vụ, giải pháp.

- Đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với hiệu lực hiệu quả tổ chức thực thi theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

- Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng yếu (cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không Long Thành…)

Ba là, tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gồm 11 nhiệm vụ, giải pháp.

- Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết Trung ương, Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Phê duyệt, tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án cơ cấu lại ngành, lĩnh vực; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, giám sát thực hiện. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp trong năm 2018.

- Thực hiện quyết liệt cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo Nghị quyết và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

- Đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN và nợ công theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị; cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại NSNN và bảo đảm bền vững an toàn nợ công. Thu hút có chọn lọc các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

- Đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch. Tạo chuyển biến căn bản trong việc xử lý các doanh nghiệp, dự án thua lỗ. Thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập gắn với thúc đẩy xã hội hóa.

- Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp phục vụ nông nghiệp; công nghiệp hỗ trợ gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, công nghệ thông tin, truyền thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics, du lịch...

- Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, nâng cao hiệu quả điều phối liên kết vùng; phát huy mạnh mẽ vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm kinh tế lớn.

Tin liên quan
Tin khác