TIN LIÊN QUAN | |
Chính quyền điện tử Quảng Ninh: Mục tiêu là dân hài lòng | |
Đà Nẵng vận hành hệ thống chính quyền điện tử | |
Đột phá bằng chính quyền điện tử |
Có thể nói, chủ đề của hội thảo“Chính quyền điện tử: Hỗ trợ cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư” đã thực sự trúng và đúng, trong bối cảnh các địa phương đang nỗ lực cải cách nền hành chính theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo thuận tiện nhất cho người dân. Tham dự hội nghị có hơn 600 đại biểu đến từ Trung ương và 17 địa phương, các chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp CNTT-TT.
Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam lần thứ 18 với chủ đề Chính quyền điện tử khai mạc sáng nay tại Quảng Ninh |
Các đại biểu đã tập trung đi sâu phân tích về hiện trạng và định hướng phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam; các cơ chế, chính sách, định hướng triển khai ứng dụng cấp quốc gia và phát triển hạ tầng CNTT; thực trạng, xu hướng về an ninh, bảo mật thông tin; giới thiệu một số mô hình nổi bật liên quan đến chính quyền điện tử(CQĐT) được triển khai tại Quảng Ninh và một số tỉnh, thành khác.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT đã khẳng định: “CNTT là động lực thúc đẩy quá trình, vừa là điều kiện điện để cải cách hành chính thành công. Phát triển chính phủ điện tử giúp đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước, tăng cường năng lực quản lý của chính quyền, giúp nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ để đưa ra các quyết định hành chính phù hợp,nâng cao hiệu lực pháp luật, giúp quản lý nhà nước hiệu quả, minh bạch hơn, cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, và tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư”.
Thực tế thì việc triển khai ứng dụng CNTT-TT trong xây dựng chính quyền điện tử, nhằm cải cách hành chính đã thực hiện trên quy mô cả nước. Nhưng nếu điểm tên những địa phương có kết quả tốt thì rõ ràng, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Mình, Cần Thơ, Quảng Ninh,… là những cái tên đáng ghi nhận.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành này thì, việc triển khai xây dựng CQĐT ban đầu gặp không ít những khó khăn. Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, vì Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện ứng dụng CNTT để xây dựng CQĐT nên chưa có mô hình mẫu nào để học tập, thiếu định hướng, ngân sách thì hạn chế, hạ tầng CNTT được đầu tư rời rạc, việc ứng dụng các phần mềm mang tính chất riêng lẻ, tự phát, thiếu chuẩn để tích hợp, nguồn nhân lực về CNTT thì hạn chế,…
Còn với Quảng Ninh, việc đưa mô hình Trung tâm hành chính công vào hoạt động theo nguyên tắc: đây là nơi duy nhất giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp các dịch vụ hành chính công, các hồ sơ sẽ được thẩm định và phê duyệt, trả kết quả tại chỗ…. cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt là việc rà soát và chuẩn hóa toàn bộ các TTHC. Nguồn nhân lực cũng là một trở ngại nữa được ông Võ Đức Hạnh, Phó trưởng Ban Quản lý điều hành dự án xây dựng CQĐT tỉnh Quảng Ninh nhắc tới khi xây dựng và vận hành trung tâm hành chính công. Bởi, khi làm việc tại đây, các chuyên viên, người phụ trách chịu áp lực rất cao về sự chính xác, thời gian thực hiện, trong khi chế độ tiền lương, thưởng chưa có sự ưu đãi nào. Hiện, tỉnh Quảng Ninh cũng đang xem xét chế độ phụ cấp cho các cán bộ, nhân viên làm việc tại trung tâm để đảm bảo họ làm việc công tâm, gắn bó và trách nhiệm với công việc.
Tuy nhiên, khi các khó khăn ban đầu vượt qua được, thì kết quả thu được là rất khả quan. Bà Vũ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay đã có 24 quận, huyện; 16 sở và 32 ngành của thành phố đã triển khai Văn phòng điện tử, giúp tạo thuận tiện cho việc gửi hồ sơ và tra cứu kết quả giải quyết TTHC qua mạng. Người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu kết quả qua điện thoại di động, hoặc được trả kết quả đến tận nhà. Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh cũng hình thành được cơ sở dữ liệu theo ngành, có sự liên thông, kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau, tạo thuận lợi cho việc lưu trữ, bảo quản thông tin, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, tránh chồng chéo.
Ông Phạm Kim Sơn cho hay, việc vận hành CQĐT đã giúp TP. Đà Nẵng tự chủ được chi phí đầu tư, xóa bỏ được tình trạng “cát cứ” thông tin giữa các sở, ngành, các địa phương, tạo thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin...
Nhưng kết quả quan trọng nhất chính là nhận được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Bởi họ được trực tiếp tham gia kiểm soát sự minh bạch trong việc giải quyết các TTHC, được quyền đánh giá thái độ phục vụ công dân của các cán bộ công chức trực tiếp giải quyết hồ sơ. Ví dụ như tại TP.Cần Thơ, đã áp dụng thống kê khảo sát lấy mức độ hài lòng của người dân. Theo đó, người dân có thể bấm chọn: hài lòng hay không hài lòng đối với kết quả công việc. Dựa trên kết quả đó để phân loại và đánh giá năng lực và thái độ làm việc của cán bộ công chức.
Còn quan điểm của ông Phạm Minh Chính, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, dịch vụ công phải tách ra khỏi cơ quan hành chính nhà nước thì mới có thể minh bạch, công khai và công bằng. Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước đang thực hiện cả 2 chức năng: vừa quản lý, vừa thực hiện dịch vụ hành chính công.
Để tạo ra sự đột phá trong cải cách hành chính, mang lại dịch vụ công tốt nhất cho người dân, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm mô hình Trung tâm hành chính công và đã được phê duyệt. Hiện tỉnh Quảng Ninh đã đưa Trung tâm Hành chính công tỉnh và 5 địa phương (Móng Cái, Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Uống Bí) vào hoạt động. Song đây vẫn là mô hình do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Quảng Ninh đã hướng tới việc đưa các trung tâm này trở thành trung tâm dịch vụ công, sẽ do tư nhân thực hiện để tạo ra sự cạnh tranh, đem lại dịch vụ hành chính tốt nhất cho người dân.
Và để tăng tính hiệu quả của CQĐT, theo đại diện của Liên minh Hợp tác xã - Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh tỉnh Quảng Ninh, trên cổng thông tin điện tử cấp tỉnh, trang thông tin điện tử thành phần của các đơn vị cần phải đăng tải công khai thông tin chi tiết về pháp luật, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, các quy trình giải quyết TTHC, các dự án kêu gọi đầu tư, các lĩnh vực xã hội hóa, các chương trình thực thi chủ trương, chính sách của địa phương, các dự báo về kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ,… để giải thích, giới thiệu, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Như vậy, doanh nghiệp, nhà đầu tư mới nhanh nắm bắt được các thông tin chính sách, pháp luật của nhà nước để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh, hay năm bắt các cơ hội đầu tư…
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT cũng có cơ hội trao đổi, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, phần mềm ứng dụng để hỗ trợ cho việc xây dựng CQĐT qua một số tham luận, trưng bày triển lãm, giới thiệu sản phẩm ….
Thu Lê