Ngân hàng
Chính sách nhập cư của Anh thông thoáng hơn trước thời điểm Brexit
Hồ Quốc Tuấn - 16/09/2019 13:27
Chính sách nhập cư của Anh đã có vẻ đảo chiều trong thời gian gần đây. Đáng chú ý nhất là việc cho phép sinh viên nhập học từ năm 2020 sẽ được phép xin một loại visa cho sinh viên tốt nghiệp để ở lại Anh trong vòng 2 năm.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đây là một cú đảo chiều ngoạn mục được cái trường đại học và sinh viên đánh giá cao vì nó mở ra cơ hội cho các sinh viên này ở lại kiếm việc làm và xa hơn làm tìm kiếm cơ hội định cư ở Anh lâu dài hơn.

Theo qui định hiện tại, sinh viên quốc tế chỉ có thể ở lại thêm tối đa 4 tháng sau khi tốt nghiệp để kiếm việc làm, đồng thời nếu doanh nghiệp muốn tuyển sinh viên làm việc dài hạn thì phải đi xin visa làm việc loại Tier 2, điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể được cấp hạn mức. Khó xin được visa Tier 2 cho sinh viên là rào cản khiến đa số doanh nghiệp không muốn tuyển sinh viên quốc tế làm việc, kể cả với một số ngân hàng lớn ở Anh mà tôi có dịp tiếp xúc (vì họ phải “để dành” hạn mức visa Tier 2 của mình cho luân chuyển nội bộ và thu hút các “ngôi sao” đang làm việc ở nước khác sang).

Nay cuộc chơi đã thay đổi khi mà sinh viên sẽ có visa dài hạn 2 năm rồi thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc tuyển sinh viên, vì họ không phải lo vấn đề visa nữa. Sau khi đã có việc làm ổn định và đạt một mức lương nhất định, sinh viên có thể xin nộp đổi qua visa làm việc Tier 2 và bắt đầu quá trình định cư lâu dài ở Anh.

Trước đây, chính sách visa cho phép sinh viên ở lại 2 năm sau khi làm việc tồn tại từ trước 2012, nhưng bà Theresa May, khi đó là Bộ trưởng Nội Vụ (Home Office), đã quyết định chấm dứt loại visa này vì cho rằng nó quá “hào phóng” đối với sinh viên quốc tế, là một trong những nguyên nhân khiến nhập cư ở Anh gia tăng. Sau vài tháng chính phủ của Boris Johnson lên nắm quyền và liên tục thất bại ở quốc hội về vấn đề Brexit, ít ra họ đã đưa ra một chính sách được giới cấp tiến trong xã hội đánh giá cao.

Đây chỉ là một trong nhiều động thái nới lỏng chính sách nhập cư gần đây ở Anh. Trước đó, chính phủ đã mở ra một loại visa nhanh “fast-track” dành riêng cho cho các nhà nghiên cứu và loại bỏ các giới hạn đối với số nghiên cứu sinh tiến sĩ có thể chuyển sang lấy visa làm việc. Điều này giúp tạo điều kiện cho các trường đại học có thể thu hút được đội ngũ nhà khoa học và trợ lý nghiên cứu giỏi nhất (một phòng thí nghiệm muốn thuê sinh viên tiến sĩ làm một số công việc cần làm nhiều giờ và trả lương cao sẽ cần visa làm việc chứ không thể để họ ở visa sinh viên).

Chủ nhà hàng bạn tôi cũng vừa cho biết hiện tại đầu bếp sẽ được xin visa Tier 2 sang làm việc ở Anh, điều mà mấy năm nay họ không được nộp và các nhà hàng rất khó tài trợ. Bạn tôi hiện tại chủ yếu phải tìm đầu bếp đến từ châu Âu, hoặc những đầu bếp đã được nhập cư ở Anh nhiều năm trước (khi Anh còn chào đón các đầu bếp) vì họ không cần visa Tier 2. Với tình hình Brexit hiện tại, anh có lo lắng là đầu bếp châu Âu sẽ về nước. Nay anh hoàn toàn có thể tìm đầu bếp ở Malaysia hay Trung Quốc,  Hong Kong qua làm việc cho nhà hàng của mình. Anh nói nửa đùa nửa thật “Rốt lại Brexit có vẻ cũng không quá tệ”.

Đây là một trong những tình huống cho thấy những khó khăn do Brexit “cứng” có thể tạo ra cũng có mặt tốt của nó, đó là nó buộc chính phủ bỏ đi những qui định “tào lao”. Nhưng khó khăn của Brexit cứng tạo ra bao gồm  rủi ro mất đi nhân tài nghiên cứu, những người làm việc trong lĩnh vực y tế (số y tá từ châu Âu sang đang sụt giảm và nhiều lãnh đạo y tế đã cảnh báo một cuộc khủng hoảng ở tầm quốc gia), rủi ro bị cắt giảm nguồn nghiên cứu khoa học và công nghệ từ châu Âu (rất quan trọng với nhiều đại học Anh), mất đi thị trường châu Âu của các doanh nghiệp Anh (bao gồm cả hoạt động thanh toán phái sinh nhiều nghìn tỷ Bảng của các ngân hàng Anh).

Chính sách nhập cư thông thoáng hơn, cộng với hứa hẹn tăng chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản ở Anh là một trong những tín hiệu cho thấy chính phủ sẽ phải dùng nhiều biện pháp khác để hỗ trợ nền kinh tế Anh sau Brexit, và điều này có thể giảm bớt “thảm họa” của kinh tế Anh phải gánh chịu sau Brexit. Mặt khác, nó sẽ tạo ra một mặt bằng cạnh tranh bình đẳng hơn giữa người lao động ngoài EU với người lao động EU, cũng như giữa đối tác EU với đối tác ngoài EU.

Một nghiên cứu sinh làm việc trong lĩnh vực tự động hóa kể với tôi là nước Anh đang có nguy cơ tụt hậu về nghiên cứu ứng dụng robot (chẳng hạn so với Nhật và Trung Quốc), không phải vì công nghệ hay con người thua kém nước khác, mà vì nhiều chính sách EU áp đặt lên quá ít thân thiện với việc ứng dụng robot thay thế con người. Nay nếu ra khỏi EU mà Anh có thể độc lập hơn trong việc ra các chính sách này thì cậu hi vọng nền công nghiệp này ở Anh sẽ cất cánh.

Nói một cách nào đó, Brexit dù không có thỏa thuận giữa Anh và EU tuy có vẻ đang mang lại những tổn hại rõ ràng, đặc biệt là trong bối cảnh Anh và EU đều có thể đi vào suy thoái theo xu thế chung của nhiều nền kinh tế phát triển, nó cũng tạo ra một cú chấn động để các nền kinh tế già cỗi này tự làm mới mình để vươn lên trở lại. Đôi khi sống quá an nhàn, không có nguy cơ sẽ khiến các chính trị gia bảo thủ có nhiều lý do để ngăn chận các cải cách với lý lẽ “mọi thứ vẫn đang diễn biến tốt mà”. Một mối nguy rõ ràng từ Brexit sẽ khiến người ta phải nghĩ lại. Người ta đang nhìn thấy những hi vọng đang le lói từ một chính sách nhập cư hợp lý hơn.

Tin liên quan
Tin khác