Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Chí Cường |
Thị trường ô tô ít hoặc không phát thải (gọi chung là ô tô “xanh”) đang đứng trước một cơ hội to lớn để phát triển mạnh mẽ.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng được đánh giá là sẽ không vấp phải vấn đề quá lớn khi phải “rẽ ngang” từ sản xuất ô tô động cơ đốt trong sang những loại xe thuần điện - vấn đề đang gặp nhiều trăn trở như ở một số cường quốc về sản xuất ô tô.
Thậm chí, Việt Nam còn có cơ hội vươn lên trở thành một cường quốc sản xuất và xuất khẩu xe điện - một sự lựa chọn tất yếu của tương lai, nếu có những hành động quyết liệt, cụ thể và kịp thời bên cạnh những nỗ lực chuyển đổi xanh nền kinh tế nói chung mà Chính phủ đang rất thúc đẩy.
Chia sẻ tại Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - một đích đến” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 29/8, đại diện Bộ Công Thương, ông Đặng Hoàng Mai cho biết, liên quan đến Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban soạn thảo đã hoàn thành dự thảo đầu tiên và gửi các bộ ngành xin ý kiến góp ý. Ban soạn thảo cũng sẽ gửi xin ý kiến góp ý các cơ quan, hiệp hội…, với tinh thần cầu thị, nghiêm túc tiếp thu, lắng nghe ý kiến.
Trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, chúng tôi xác định ô tô là ngành mũi nhọn, dẫn dắt ngành công nghiệp phát triển, đóng góp vào sự phát triển của quốc gia, vì vậy cần chính sách mang tính ưu việt, bền vững.
Hiện đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang phát triển rất mạnh. Chúng ta đã có những doanh nghiệp “tay ngang” nhưng rất nhanh, chỉ sau 2 năm đã có ô tô công bố ra thế giới, rất đáng tự hào.
Trong dự thảo Chiến lược, chúng tôi mạnh dạn đề cập hỗ trợ với nhiều chính sách tốt hơn nữa với các dòng xe điện khí hóa, thân thiện với môi trường. Trong tương lai có nhiều công nghệ mới, xe xanh công nghệ mới. Đây là thời điểm vàng để đi tắt đón đầu công nghệ với các loại xe thân thiện với môi trường, ông Mai nói.
Góp ý thêm cho vấn đề chính sách trong dự thảo Chiến lược, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Ban soạn thảo phải có tư duy tổng thể về xây dựng chính sách, đáp ứng 3 yêu cầu: chính sách phải rất rõ ràng về mục tiêu và nội dung khuyến khích là gì. Đồng thời, chính sách phải dài hạn, ổn định, mang tính cam kết là không có những chính sách kém thuận lợi hơn trong tương lai.
Thứ ba, cần sự toàn diện và đồng thời của các chính sách. Ví dụ, ưu đãi nhiều cho đầu tư, sản xuất, nhưng doanh nghiệp chưa thấy trạm sạc thế nào, giá điện ra sao. Vì vậy, phải có sự đảm bảo để các cơ quan Chính phủ “chạy” đồng thời.
Theo ông Hiếu, trong thiết kế chính sách phải nêu mục tiêu rõ ràng hơn. “Tôi vô cùng phân vân với khái niệm ô tô sản xuất trong nước, cần phải cụ thể về tỷ lệ nội địa hóa”, ông Hiếu nói.
Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, thiết kế chính sách phải “thông minh hơn”, tầm nhìn phải rộng hơn.
Ông Hiếu dẫn chứng, hiện nay đang nói nhiều về pin ô tô, nhưng tương lai sẽ có các thiết bị khác cũng sử dụng pin trong đời sống, thì đây là cơ hội.
Ngoài ra, không nên tranh luận, so sánh cao thấp trong ưu đãi. “Cao thấp hay không so với quốc tế là tính tham khảo. Tính phù hợp với mục tiêu và thực tế mới là quan trọng”, ông Hiếu nói.
Cuối cùng, ông Phan Đức Hiếu kỳ vọng, các đề án, chính sách cần phải triển khai nhanh.