Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành tài chính sáng nay (8/1), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành khá nhiều thời gian phân tích những bất cập trong chính sách thuế.
Doanh nghiệp bị oan sai do chính sách thuế thay đổi quá nhanh
“Chính sách thuế thay đổi quá nhanh, quá nhiều dẫn đến gây ra nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thẳng chính sách thuế hiện nay.
Thủ tướng chứng minh, sau thanh tra, kiểm tra thuế, nhiều doanh nghiệp bị phát hiện ra sai phạm, vi phạm chính sách thuế, có doanh nghiệp vi phạm nhiều, có doanh nghiệp vi phạm ít, có doanh nghiệp cố tình vi phạm, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp bị oan sai do chính sách thuế thay đổi quá nhanh gây ra.
“Chúng ta xây dựng chính sách quản lý tài chính nói chung, chính sách thuế nói riêng làm sao để có thể tồn tại lâu hơn. Những thay đổi chính sách thuế nhanh như hiện nay đã chứng tỏ người xây dựng chính sách chưa theo kịp với sự phát triển của kinh tế - xã hội; chưa đánh giá kỹ tác động của chính sách đến đời sống kinh tế - xã hội, đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Người xây dựng chính sách thiếu tầm nhìn, chưa lắng nghe ý kiến, tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và người dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, khi xây dựng chính sách thuế nói riêng, chính sách tài chính nói chung phải theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phải có sự ổn từ 5 đến 10 năm.
“Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp phải lưu ý vấn đề này khi thẩm tra các chính sách thuế mỗi khi được Bộ Tài chính gửi đến”, Thủ tướng yêu cầu.
Chính sách thuế không chỉ thay đổi theo chiều hướng “quá nhanh, quá nguy hiểm” mà theo người đứng đầu Chính phủ, chính sách thuế được xây dựng theo tư duy có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, mà không hướng đến quan điểm bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.
Theo Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, cơ quan quản lý thuế có quyền thanh tra, kiểm tra; có quyền cưỡng chế tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính thuế từ phong tỏa tài khoản; trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; dừng làm thủ tục hải quan; đình chỉ hóa đơn đến kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác nắm giữ; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép hành nghề. Thậm chí cơ quan thuế còn được gửi hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, truy tố, khởi tố vụ án.
“Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định suy đoán vô tội, tại sao Luật Quản lý thuế không có điều khoản bảo vệ quyền lợi người nộp thuế theo hướng suy đoán người nộp thuế không vi phạm mà toàn có quy định tạo sự thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
Theo người đứng đầu Chính phủ, suy đoán vô tội là ưu việt của xã hội tiến bộ, trong quản lý thuế thì suy đoán người nộp thuế không vi phạm là ưu việt của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì đây là quy định đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước và người nộp thuế phải bình đẳng với nhau.
Coi trọng tăng thuế suất bỏ mất mỏ vàng
Hiện Bộ Tài chính dự kiến đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xây dựng một luật thuế sửa đổi 6 luật thuế (thay vì 5 luật như dự kiến hồi tháng 8/2017). Theo nhận định của Thủ tướng Chính phủ, các chính sách thuế sửa đổi ngoài tư duy tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước, chưa bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế vẫn chưa thay đổi tư duy coi trọng việc tăng thuế suất thay vì mở rộng cơ sở thu.
“Công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ đã xuất hiện nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, dịch vụ mới. Hiện nền kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử trực tuyến phát triển vô cùng mạnh mẽ mà cụ thể là các loại hình Uber, Grab, mua hàng qua mạng, quảng cáo trực tuyến trên mạng xã hội, trên Google, Facebook... Đây chính là những mỏ vàng để mở rộng cơ sở thuế, nhưng chúng ta chưa chịu nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để thu thuế, mà còn lúng túng trong việc hoạch định để quản lý và khai thác các nguồn thu này. Do vậy, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải coi trọng việc mở rộng cơ sở thuế kết hợp với điều chỉnh thuế suất theo lộ trình phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước chứ không quá thiên về tăng thuế suất”, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt.
Mở rộng cơ sở thu thuế, theo Thủ tướng còn rất nhiều dư địa, ngoài dịch vụ mới phát triển cùng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử, mua bán hàng qua mạng... còn rất nhiều khoản thu khác hiện cơ quan thuế Việt Nam không thu được, hoặc thu được rất ít. Nguyên nhân là do, chính sách thuế chưa theo kịp, chưa tương thích với các quy định của OECD, Liên hợp quốc, UNDP nên các hoạt động chuyển nhượng, giao dịch ra ngoài lãnh thô Việt Nam của các tập đoàn đa quốc gia như chuyển nhượng vốn, chuyển cổ phần, chuyển nhượng tài sản vô hình, chuyển nhượng quyền khai thác thương hiệu... thường không thu được thuế, có thu được cũng rất ít.
“Chính sách quản lý thuế của chúng ta chưa theo kịp với sự phát triển của thế giới nên đã đánh mất quyền thu thuế vào tay người khác”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC (diễn ra tại Hội An, Quảng Nam từ 19 đến 21/10/2017), lãnh đạo bộ tài chính các thành viên APEC đã thảo luận và thống nhất nội dung “Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận”.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đây là nội dung quan trọng được tất cả các thành viên APEC đặc biệt quan tâm vì xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (chuyển giá) là vấn đề không chỉ khiến cơ quan thuế các nước đang phát triển như Việt Nam đau đầu mà cơ quan thuế các nước phát triển cũng rất đau đầu.
“Ngành tài chính phải sớm bắt tay rà soát lại các chính sách thuế hiện hành, sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với các quy định của OECD, Liên hợp quốc và tương thích với quy định, thông lệ quốc tế trên tinh thần “Tuyên bố Hội An về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận”, Thủ tướng chỉ đạo.
Về quản lý thuế, Thủ tướng khẳng định vẫn còn tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Thậm chí tình trạng tiêu cực, tiếp tay cho doanh nghiệp trốn thuế, gian lận thuế, buôn lậu, gian lận thương mại của một bộ phận cán bộ thuế, hải quan đáng báo động
“Một bộ phận cán bộ tài chính, hải quan, thuế còn nhũng nhiễu doanh nghiệp, thờ ơ trước sự sống còn của doanh nghiệp. Tôi yêu cầu ngành tài chính phải có biện pháp mạnh mẽ dẹp bỏ ngay tình trạng này, ngành tài chính phải phát động khẩu hiệu “nói không với chi phí bôi trơn”; “nói không với phong bì”, Thủ tướng nghiêm khắc chỉ đạo.