Bà Bùi Thị Quỳnh Thơ, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. |
Báo cáo Chính phủ năm nay lại như các năm trước, tiếp tục phản ánh công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước không đạt yêu cầu, còn nhiều khó khăn.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu trong phiên họp thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, những tháng đầu năm 2022. Bà dành toàn bộ phần phát biểu của mình cho nội dung này.
Tính cả giai đoạn 2016-2020 cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 23% kế hoạch dự kiến, đặc biệt năm 2021 thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước đạt rất thấp so với dự toán, chỉ đạt 4.400 tỷ đồng/40.000 tỷ đồng, tương đương với 11% dự toán, tăng chủ yếu do thu hồi vốn của ngân sách địa phương đầu tư tại các doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý.
“Đâu là nguyên nhân cốt lõi, tại sao lại khó thực hiện đến vậy? Liệu các quy định pháp luật trên có đảm bảo tính thực thi hay không? Nếu là do yếu tố tổ chức thực hiện thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm và trách nhiệm đến đâu?”, đại biểu đặt hàng loạt câu hỏi.
Khó vì chính sách, chế độ về cổ phần hóa, thoái vốn mới liên tục?
Cho đến nay hệ thống văn bản pháp luật quy định về cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành tương đối nhiều và đầy đủ.
Có thể kể đến từ Nghị định 91 năm 2015, Nghị định 32 năm 2018 và trong năm 2020 liên tục có 2 nghị định và một nghị quyết được ban hành, đó là Nghị định 121, Nghị định 140 và Nghị quyết số 161 đều hoàn thành năm 2020 và mới đây nhất là Quyết định số 360 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Hệ thống văn bản chính sách, pháp luật trên đã bao quát hầu hết các nội dung cơ bản về công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, có 2 vấn đề còn tồn tại từ quy định chính sách, pháp luật làm chậm quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
Thứ nhất, việc ban hành mới và liên tục chính sách, chế độ về cổ phần hóa, thoái vốn dẫn đến nhiều doanh nghiệp đang quá trình triển khai thực hiện kế hoạch lại phải dừng thực hiện và bắt đầu quy trình thủ tục lại từ đầu, nhất là những vấn đề liên quan đến phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa và xác định giá trị doanh nghiệp.
Thứ hai, hệ thống văn bản nhiều là thế, tuy nhiên vẫn còn vướng mắc bất cập.
Một số quy định chưa đầy đủ, rõ ràng, cụ thể còn thiếu tính khả thi, gây khó cho quá trình triển khai tổ chức thực hiện.
Đó là một số khó khăn lớn từ xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Do sự biến động về giá đất từng thời kỳ, giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp có nhiều cách hiểu khác nhau.
Còn vướng mắc trong việc thống nhất cách xác định mức giá và phương thức tính tiền thuê đất một năm hay nhiều năm. Vấn đề này cho đến nay vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể làm cho chính quyền địa phương lúng túng khi triển khai chậm quyết định thực hiện nhiệm vụ.
Các quy định pháp luật liên quan đến xác định lợi thế thương mại chưa được hướng dẫn một cách cụ thể và rõ ràng, dẫn đến việc định giá doanh nghiệp nhiều khi chưa chính xác làm cho doanh nghiệp khó có thể triển khai thành công nhiệm vụ cổ phần hóa doanh nghiệp.
Chưa triệt để việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả cổ phần hóa, thoái vốn?
Bên cạnh một số vướng mắc từ chính sách pháp luật, việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn từ bản thân một số doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu, đó là công tác lập kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhiều khi còn mang tính hình thức.
Một số doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc, quyết liệt trong việc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo danh mục được phê duyệt. Điều này trong các báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra.
Điều quan trọng là việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước chưa được thực hiện một cách triệt để, thêm vào đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự được coi trọng.
"Nếu những vấn đề này không có giải pháp đủ mạnh, tôi e rằng, năm sau và những năm sau nữa các báo cáo về kết quả cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước sẽ khó đạt được kết quả như mong muốn", đại biểu Nguyễn Quỳnh Thơ nói.
Cần sự sát cánh của cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp
Đề xuất với Chính phủ, đại biểu đưa ra 4 giải pháp.
Thứ nhất, Bộ Tài chính nhanh chóng tham mưu Chính phủ trong việc ban hành chính sách nhất quán về phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị quyền sử dụng đất một cách chính xác. Trong đó có tính đến yếu tố chênh lệch khung giá đất giữa các địa phương. Khung giá đất Nhà nước quy định so với giá thị trường.
Thứ hai, cần rà soát, tính toán lại và trong trường hợp không có các nhà đầu tư chiến lược và việc cổ phần hóa tại một số doanh nghiệp nhà nước không khả thi hoặc khó khả thi thì nên chăng một số doanh nghiệp không hoặc chưa đưa vào danh sách cổ phần hóa giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, Nhà nước cơ cấu lại các doanh nghiệp này, một mặt Nhà nước vẫn duy trì nguồn thu cố định từ lợi nhuận, hoạt động kinh doanh, mặt khác, đảm bảo cho kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước được thực thi hiệu quả, đảm bảo mục tiêu đề ra.
Thứ ba, có chế tài xử lý người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước không hoàn thành hoặc không triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ tư, cần thiết phải có sự vào cuộc, sát cánh của cơ quan quản lý nhà nước đồng hành cùng các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước.