Thời sự
Chính thức ban hành nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
Nguyễn Lê - 19/11/2022 09:48
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Đây là Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua ngày 10/11/2022, trong kỳ họp thứ tư vừa qua..

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký Nghị quyết số 68/2022/QH15 Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Đây là Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua ngày 10/11/2022, trong kỳ họp thứ tư vừa qua.

Bên cạnh 15 chỉ tiêu chủ yếu (GDP khoảng 6,5%, CPI bình quân khoảng 4,5%...), Nghị quyết còn nêu nhiều nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đề nghị Chính phủ và các cơ quan có liên quan thực hiện tốt trong năm sau.

Nhiệm vụ đầu tiên là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ở nhiệm vụ này, Quốc hội yêu cầu tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống; kiểm soát chặt chẽ lạm phát, điều hành chủ động, linh hoạt công cụ lãi suất, tỷ giá, phù hợp và sát thực với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tăng cường kỷ luật tài chính, chống thất thu; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát để sớm đưa các nguồn lực chưa khai thác hiệu quả vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh là nhiệm vụ thứ hai với  yêu cầu rà soát, cập nhật, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, ban hành phương án xử lý có hiệu quả, kịp thời các tình huống, các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới; nỗ lực nghiên cứu, tự sản xuất các loại thuốc phòng, chống dịch.

Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị y tế trong nước. Tăng cường năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; nâng cao năng lực điều trị của tất cả các tuyến trong hệ thống y tế; tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính, giá dịch vụ y tế để từng bước thực hiện tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí vào giá dịch vụ y tế; quan tâm phát triển các bệnh viện, cơ sở y tế khu vực ngoài nhà nước để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Nhiệm vụ thứ ba được nêu tại nghi quyết là thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Một trong nhiều yêu cầu được nêu ở nội dung này là  tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, tập trung tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm chất lượng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2023.

Tiếp theo, nhiệm vụ thứ tư Quốc hội nêu là đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa gắn với hiệu quả đầu tư công; có các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán nguồn lực và mất nhiều thủ tục hành chính - nghị quyết nêu rõ.

Ở nội dung này, Quốc hội yêu cầu phấn đấu hoàn thành việc phê duyệt các quy hoạch còn lại trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch trong năm 2023; rà soát để giải quyết các vướng mắc trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương. Triển khai có hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghiên cứu xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối, kết nối phát triển vùng giai đoạn 2021 - 2030, sớm tạo ra các vùng động lực mới, cực tăng trưởng mới.

Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, là nhiệm vụ thứ năm.

Với nhiệm vụ này, một trong các yêu cầu được nêu là phát triển mạnh hạ tầng số hiện đại, đồng bộ, sớm hoàn thành việc phủ sóng viễn thông, kết nối internet trên địa bàn cả nước; xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về hạ tầng thương mại điện tử; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; cơ chế quản lý tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, là nhiệm vụ thứ sáu được nêu tại nghị quyết.

Nghị quyết cũng nêu nhiệm vụ thứ bảy là chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Nhiệm vụ thứ tám là giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế là nhiệm vụ thứ chín.

Cuối cùng, nhiệm vụ thứ 10 là đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.

Với nhiệm vụ này, Quốc hội yêu cầu tăng cường và đổi mới công tác quản lý báo chí; xây dựng đội ngũ nhân lực báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, có giải pháp hỗ trợ báo chí phát triển; kịp thời chấn chỉnh sai phạm trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Tin liên quan
Tin khác