Báo cáo "Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ" được công bố tại Hà Nội, có sự tham dự của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tháng 7/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim đã có sáng kiến xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035.
Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo và Ban cố vấn xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035 đã được thành lập. Báo cáo được xây dựng với sự góp mặt của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các viện nghiên cứu đầu ngành ở Việt Nam và quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh |
Đến nay, với sự phối hợp của các chuyên gia Việt Nam, chuyên gia quốc tế và Ngân hàng Thế giới, Báo cáo đã chính thức hoàn thành, với nhiều số liệu, nhiều khuyến nghị quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, với mức thu nhập trung bình cao vào năm 2035.
Báo cáo Việt Nam 2035 đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc tới trong bài tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vừa qua. Theo đó, để thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế kinh tế, một trong ba khâu đột phá chiến lược của Đảng ta, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với Ngân hàng thế giới tập hợp các chuyên gia kinh tế hàng đầu của thế giới và Việt Nam để xây dựng “Báo cáo VN 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”.
Báo cáo này nhằm xác định nền kinh tế của Việt Nam đang ở đâu trong khu vực và trên thế giới; mục tiêu khát vọng của Việt Nam đến năm 2035 là gì; những cản trở nào cho sự phát triển của Việt Nam hiện nay và bằng cách nào để Việt Nam đạt tới mục tiêu của mình. Báo cáo gồm 10 chương nghiên cứu sâu về 3 trụ cột phát triển và 6 chuyển đổi lớn, phác thảo các chiến lược phát triển thích hợp với xuất phát điểm của một nước thu nhập trung bình thấp trong bối cảnh thế giới đầy biến động nhằm đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập cao hoặc cận trên của thu nhập trung bình cao đến năm 2035.
Các chuyển đổi lớn bao gồm : Thứ nhất, xây dựng một nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao. Thứ hai, thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế song hành với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân. Thứ ba, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo lấy khu vực tư nhân làm trung tâm. Thứ tư, bảo đảm công bằng xã hội cho các nhóm yếu thế và thúc đẩy xã hội trung lưu phát triển. Thứ năm, phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Thứ sáu, gia tăng mật độ kinh tế trong quá trình đô thị hóa và tăng cường tính kết nối giữa các thành phố và vùng lân cận. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, nhất là các đồng chí trong Ban chấp hành trung ương khóa XII trúng cử lần này nghiên cứu trong quá trình xây dựng và hoạch định chính sách đổi mới của Việt Nam.
Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn tiếp tục thông tin về sự kiện trong những bản tin tiếp theo.