Ngày hội được kỳ vọng giúp kết nối cung cầu và thúc đẩy đầu tư vào các sản phẩm có thế mạnh của Lục Ngạn. |
Theo đó, Ngày hội diễn ra từ 25-27/11 được kỳ vọng là nơi kết nối cung cầu giữa nhà nông, doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho một số cây ăn quả chủ lực của huyện phát triển theo hướng bền vững.
Ngày hội trái cây tại Lục Ngạn có 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm của tỉnh Bắc Giang, trong đó Lục Ngạn có 60 gian hàng với trái cây, mỳ gạo, rượu, giấm, mật ong,…
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Lục Ngạn được nhiều người biết tới với sản phẩm vải thiều. Tuy nhiên, ít người biết tới, Lục Ngạn còn là vùng đất rất hợp với các loại cây có múi. Đó cũng là lý do chúng tôi chọn thời điểm này để tổ chức Ngày hội trái cây năm 2017. Thực tế cho thấy, sản lượng cây có múi đã tăng từng năm, nếu như năm 2016 chỉ đạt 35.000 tấn thì năm nay những loại cây này đã cho sản lượng tới 40.000 tấn. Hiện, một số cây có múi có nguồn gốc từ địa phương khác đã được trồng và phát triển tại Lục Ngạn cho sản lượng cao hơn ở nơi sản sinh. Một số giống cây như cam Vinh, cam đường Canh, bưởi da xanh… đã được trồng tại Lục Ngạn cho năng suất và chất lượng cao. Một số thương hiệu cây có múi đã bắt đầu có tiếng trên thị trường như bưởi ngọt, bưởi da xanh, cam lòng vàng, bưởi hồng đào, cam đường Lục Ngạn….”.
Cũng theo ông Bình, đây là năm đầu tiên, các hợp tác xã, tổ hợp tác được khuyến khích ký kết hợp đồng khép kín từ khâu sản xuất tới thu mua, chế biến. Số chi hội chuyên cây có múi đã lên tới con số 30 chi hội với 374 tổ hợp tác ở thôn bản.
“Tất cả những sản phẩm của các hợp tác xã, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại Ngày hội đều được dán tem truy xuất nguồn gốc nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp cho Lục Ngạn thương hiệu tổng hợp bưởi cam Lục Ngạn. Năm nay, chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Chúng tôi cũng đã ký kết hợp tác với các siêu thị lớn ở Hà Nội như Big C hay xúc tiến giới thiệu sản phẩm của Lục Ngạn sang thị trường Trung Quốc. Với những hoạt động này, tôi đặt nhiều kỳ vọng sản phẩm nông sản của Lục Ngạn sẽ mở rộng được thị trường, khẳng định được thương hiệu thời gian tới”, ông Bình nói.
Được biết, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển các sản phẩm có thế mạnh, Lục Ngạn đang hình thành vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc, với diện tích trên 26.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó, vải thiều hơn 15.000 ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm; cam lục ngạn gần 3.300 ha; bưởi Lục Ngạn gần 1.700 ha; nhãn 852 ha.... Năm 2016, tại Ngày hội Trái cây Lục Ngạn lần thứ nhất năm 2016, riêng ngày khai mạc đã có 35.000 lượt khách, sau đó đơn hơn 10.000 lượt khách đến Lục Ngạn. Thị trường phía Nam cũng đã biết đến trái cây Lục Ngạn và lần đầu tiên đã có xe container chở cam, bưởi Lục Ngạn vào phía Nam.
Theo tính toán, cây ăn quả đã mang lại thu nhập cho người dân khoảng trên 3.000 tỷ đồng/năm.