Dự án có tổng số vốn đầu tư 2.336 tỷ đồng, bao gồm vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của EVN SPC. Tuyến cáp ngầm 110 kV sử dụng loại cáp một sợi 3 lõi với tổng cộng hơn 57 km ngầm dưới đáy biển, khả năng tải tối đa 131 MVA. Đây là dự án thuộc nhóm A do có quy mô lớn, công nghệ phức tạp và lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam.
| ||
Lễ khởi công Dự án cáp điện ngầm dài trên 57 km vượt biển từ Thị xã Hà Tiên ra huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) |
Cùng với tuyến cáp ngầm, để chuẩn bị cho việc đấu nối với nguồn điện từ đất liền, trạm biến áp 110 kV Phú Quốc cùng đường dây 2 mạch 110 kV trên đảo Phú Quốc dài 7,6 km đã được xây dựng và hoàn thành.
Ngoài ra, để đấu nối cho dự án cáp ngầm và tăng cường khả năng cung cấp điện cho thị xã Hà Tiên, Tổng công ty đã đầu tư thêm 2 công trình lưới điện 110kV đồng bộ với dự án này và đã đóng điện vận hành vào đầu năm nay gồm đường dây 2 mạch 110 kV Kiên Lương - Hà Tiên và trạm biến áp 110 kV Hà Tiên với số vốn gần 128 tỷ đồng.
Công ty Prysmian Powerlink của Italy là nhà thầu chính thi công tuyến cáp ngầm này với phương pháp rải và chôn cáp đồng thời.
Cách thực hiện này có ưu điểm là giảm thiểu hư hỏng cáp ngầm, song chi phí đầu tư cao do công nghệ phức tạp. Theo kế hoạch, nhà thầu Prysmian sẽ hoàn tất thi công lắp đặt cáp ngầm vào ngày 11/1/2014 và có thể đóng điện đưa dự án vào vận hành trước Tết Giáp Ngọ 2014, vượt trước 6 tháng so với kế hoạch.
Đại diện nhà thầu cho biết, tàu chở cáp ngầm đang neo đậu gần công trình và cách đảo Phú Quốc khoảng 2 hải lý, tàu không chỉ chở cáp ngầm và công nghệ hiện đại mà còn mang đến Việt Nam kiến thức, kinh nghiệm, cam kết và tất cả chuyên môn cao của Công ty Prysmian Powerlink. Đây là Công ty có bề dày phát triển 130 năm, dẫn đầu thế giới về cáp năng lượng, viễn thông, công nghệ cáp ngầm biển và đã thực hiện nhiều dự án thành công theo phương thức chìa khóa trao tay.
Phát biểu tại lễ khởi công, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, tuyến cáp ngầm xuyên biển Hà Tiên –Phú Quốc là kết quả của hơn 5 năm kiên trì chuẩn bị, từ việc thu xếp để có nguồn vốn đầu tư lớn, tính chất phức tạp ở cấp điện áp cao, phương án hướng tuyến hợp lý, đến việc lựa chọn được nhà thầu có năng lực, uy tín. Vì đây là dự án không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, mà còn góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Theo Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng, dự án này sẽ giúp kéo giảm giá điện do Nhà máy diện Diesel Phú Quốc (hiện cao gấp 3 lần so với đất liền) trở về bằng với đất liền, đảm bảo khả năng cung cấp điện liên tục và ổn định cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên đảo đến năm 2020, đưa Phú Quốc phát triển thành đặc khu kinh tế - hành chính, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm giao thương của quốc gia, khu vực và quốc tế theo qui hoạch của chính phủ.
Ông Nguyễn Thành Duy, Tổng giám đốc Công ty Điện lực Miền Nam cho biết, thời gian qua dù giá điện trên đảo cao như vậy, nhưng mỗi năm ngành điện vẫn phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử, như năm 2012, ngành điện đã phải bù lỗ 157 tỉ đồng, năm 2013 dự kiến bù lỗ khoảng 200 tỷ đồng do phát điện bằng dầu chạy động cơ Diesel ở Phú Quốc.
Phát biểu tại buổi lễ khởi công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, ông Lê Văn Thi hân hoan nói: “Khi dự án hoàn thành dòng điện từ lưới điện quốc gia sẽ được lan tỏa ra Phú Quốc, là một cú hích quan trọng và không thể thiếu để Phú Quốc cất cánh cũng như làm cho Phú Quốc sẽ càng gần hơn với đất liền. Dự án còn góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đưa Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế quan trọng, khu du lịch chất lượng cao của đất nước… Đây không chỉ là niềm vui của người dân mà còn là tin tốt cho các nhà đầu tư vào Phú Quốc”.
Huy Thịnh