Cảng hàng không Điện Biên đang rất hạn chế do không thể khai thác các loại máy bay lớn. Ảnh: A.M |
Phương án tối ưu
Kiên định là điều có thể nhận thấy trong Công văn số 11000/BGTVT-KHĐT vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.
Theo đó, Bộ GTVT một lần nữa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) triển khai đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên theo hướng ACV sẽ đầu tư toàn bộ khu bay mới và khu hàng không dân dụng bằng nguồn vốn doanh nghiệp, đồng thời xác định đây là nhiệm vụ chính trị được giao.
“Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, ACV sẽ trình duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan”, Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Lê Anh Tuấn nêu rõ.
Được biết, đề xuất trên được Bộ GTVT đưa ra sau cuộc làm việc giữa Bộ trưởng GTVT, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và ACV hôm 30/10 để chốt phương án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.
Liên quan việc xử lý Khu bay hiện hữu, theo quy hoạch được phê duyệt, khi xây dựng đường cất hạ cánh mới, đường cất hạ cánh hiện hữu sẽ không thể sử dụng do không thể khai thác tàu bay A320/321 hoặc nên khi đầu tư khu bay mới, tài sản khu bay hiện hữu không còn được sử dụng, Bộ GTVT sẽ phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên bàn giao khoảng 6,88 ha đất không sử dụng theo quy hoạch mới và tổ chức thực hiện đánh giá, xử lý tài sản theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp đề xuất giao ACV đầu tư Cảng hàng không Điện Biên được Thủ tướng thông qua, thì những vướng mắc trong việc ACV tiếp tục bỏ vốn vào một số dự án mở rộng cảng hàng không kém hiệu quả tài chính, mang nặng tính công ích, không được các nhà đầu tư tư nhân quan tâm cũng sẽ được khơi thông.
Nghĩa vụ của ACV
Trong Công văn số 11000, Bộ GTVT không cho biết quan điểm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - đơn vị đang giữ vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước và hiện chiếm tới 95,4% vốn điều lệ của ACV - đối với phương án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.
Trước đó, trong Công văn số 1680/UBQLV-CNHT gửi Thủ tướng Chính phủ hồi đầu tháng 10/2020, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục bảo lưu những đánh giá khá tiêu cực đã được thể hiện trong những lần góp ý trước đó về triển vọng mang lại lợi nhuận từ Dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.
Ủy ban này cho rằng, việc đánh giá, xem xét cần trên quan điểm tổng thể, toàn diện. Cụ thể, 14 cảng hàng không do ACV kinh doanh chưa có lãi, nhưng về tiềm năng, nhiều cảng trong số này sẽ có lợi nhuận trong thời gian tới. Trong khi đó, theo báo cáo của ACV và Bộ GTVT, Cảng hàng không Điện Biên không có khả năng hoàn vốn trong 50 năm tới và cũng không phải là cảng hàng không trung chuyển, không phải là cảng hàng không có tiềm năng du lịch...
“Tại thời điểm hiện nay, quyết định đầu tư mới ngay Cảng hàng không Điện Biên hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 là không phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn của ACV”, Công văn số 1680/UBQLV-CNHT nêu rõ.
Giải thích lý do luôn kiên định với đề xuất giao ACV đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, trong Công văn số 11000, Bộ GTVT khẳng định, ACV đang được giao quản lý, khai thác 21 cảng hàng không. Do mỗi cảng có vai trò khác nhau trong việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, nên Nhà nước đã giao ACV quản lý, khai thác, đầu tư phát triển hệ thống 21 cảng hàng không để đơn vị này chủ động cân đối lợi nhuận từ cảng hàng không hoạt động có lãi, bù đắp cho cảng hàng không hoạt động chưa có lãi và vẫn phải đảm bảo hoạt động cả hệ thống 21 cảng có hiệu quả (bảo toàn và phát triển vốn).
Bên cạnh đó, khi cổ phần hóa, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ACV vẫn kế thừa các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp như trước khi cổ phần hóa. Như vậy, ACV có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác các cảng hàng không có hiệu quả như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh…, đồng thời cũng phải có trách nhiệm cân đối để đầu tư phát triển các cảng hàng không có ý nghĩa về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
“Vì vậy, hiệu quả hoạt động của ACV phải được xem xét hiệu quả hoạt động toàn mạng cảng hàng không do ACV đang quản lý, khai thác”, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACV
Đối với Cảng hàng không Điện Biên, trường hợp ACV được giao đầu tư dự án xây dựng mở rộng, dù chưa đem lại hiệu quả tài chính cho ACV, nhưng việc đầu tư khu bay mới sẽ khai thác được các tàu bay tầm trung như A320/A321, giúp mở rộng đường bay đi và đến Điện Biên, góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng của tỉnh Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.
Trong trường hợp được giao đầu tư cả khu bay và khu hàng không dân dụng, mặc dù chưa đem lại hiệu quả tài chính cho ACV, nhưng với tổng mức đầu tư khoảng 1.539 tỷ đồng không phải là lớn so với năng lực của ACV, nên sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả tài chính toàn mạng cảng hàng không của ACV.
Về cân đối vốn, Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở đánh giá tác động của đại dịch Covid-19, ACV đã nghiên cứu phương án trước mắt sẽ đầu tư khu bay mới và cải tạo, mở rộng, tận dụng nhà ga hành khách hiện hữu để giảm chi phí đầu tư trong giai đoạn này. Việc đầu tư xây mới nhà ga hành khách theo quy hoạch sẽ được thực hiện trên cơ sở đánh giá hiệu quả khai thác trong giai đoạn tiếp theo.
“Như vậy, tổng mức đầu tư của phương án đề xuất là 1.539 tỷ đồng, giảm đáng kể so với phương án ban đầu là 3.100 tỷ đồng, qua đó giảm đáng kể áp lực vốn cho ACV”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên cho biết, địa phương ủng hộ mọi phương án do Bộ GTVT đề xuất, nếu như phương án đó giúp địa phương sớm có một sân bay mới có năng lực đón các tàu bay lớn hơn.