Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. |
Việc cho không, bán rẻ cũng là nguyên nhân dẫn tới sử dụng nước ngọt lãng phí và nhiều sản phẩm nông nghiệp không phản ánh đúng chi phí bỏ ra, theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Nhận định trên được Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nêu tại kết luận phiên giải trình "An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập" được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức sáng 17/8.
Nhà nước vay lãi để bù lỗ
Tại phiên giải trình, các vị đại biểu Quốc hội, dù đang làm việc tại miền Bắc vẫn hết sức sốt ruột về nguồn nước của ĐBSCL, nơi mà như nhận xét của một số vị đại biểu là bốn bề sông nước nhưng lại luôn phải đối mặt với hạn hán, ngập mặn do thiếu hồ chứa nước liên vùng.
Qua khảo sát thực tế, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khái quát, biến đổi khí hậu với thời tiết cực đoan do hạn hán kéo dài ở nhiều tỉnh, nhất là ở Ninh Thuận, Bình Thuận; nước biển dâng, thiếu nước đầu nguồn làm gia tăng tình trạng xâm ngập mặn ở nhiều tỉnh, nhất là Tây Nam Bộ đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất, nước ngọt sinh hoạt thiếu nghiêm trọng.
Lấy ví dụ tỉnh Bến Tre, ông Hiển cho biết, năm 2019 còn 2 xã không bị xâm ngập mặn, thì đến năm 2020 có 100% số xã bị xâm ngập mặn, độ mặn đạt trên 10‰ trong nhiều tháng liền. Cả tỉnh thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt trầm trọng, người dân phải mua nước ngọt từ 60.000 đến 200.000 đồng/m3 nước ngọt. Toàn tỉnh bị thiệt hại hàng chục ngàn hecta lúa, cây ăn quả, tổng thiệt hại ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng. Nông dân điêu đứng, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất hoặc chỉ sản xuất cầm chừng.
Nêu vấn đề tài chính để đảm bảo nguồn lực thực hiện an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, Phó chủ tịch lưu ý là nguồn thu từ người dân, doanh nghiệp là không đáng kể.
Ngay cả việc cấp nước sạch ở một số vùng, qua khảo sát cho thấy, giá thành 1m3 nước sạch khoảng 11.000 đồng nhưng người dân mới chỉ phải bỏ ra là 6.000 đồng, còn 5.000 đồng nhà nước phải bù bằng khoản đi vay với lãi suất khá cao, Phó chủ tịch nói.
Ông Hiển cho rằng, đây là một vấn đề lớn đặt ra, tạo ra gánh nặng cho ngân sách, trong điều kiện nợ công của còn ở mức cao, các công trình đầu tư hoàn toàn phải đi vay.
"Việc cho không, bán rẻ cũng là nguyên nhân dẫn tới sử dụng nước ngọt lãng phí và nhiều sản phẩm nông nghiệp không phản ánh đúng chi phí bỏ ra. Đây là cơ chế phi thị trường và nặng về bao cấp, lâu dài sẽ làm triệt tiêu động lực phát triển, không kêu gọi được các nhà đầu tư ở các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực thủy lợi, một lĩnh vực đang đòi hỏi huy động được nguồn lực của toàn xã hội, trong một quá trình dài, từ thế hệ này sang thế hệ khác mới có thể giải quyết được các vấn đề cấp bách, các vấn đề lâu dài bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, chống xâm ngập mặn, sụt lún và nước biển dâng từ nay cho đến cuối thế kỷ 21", Phó chủ tịch phát biểu.
Phải coi nước là hàng hoá đặc biệt
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phúng Quốc Hiển, cần phải đặt ra mục tiêu đến năm 2045 (tức là 5 kế hoạch 5 năm), khi Việt Nam trở thành một nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình thì phải chủ động được nguồn nước ngọt đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Nguồn nước này phải đảm bảo chủ động tưới tiêu khoa học, hiện đại cho 100% diện tích canh tác; đủ nước cho công nghiệp và dịch vụ; đáp ứng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho 115 - 120 triệu dân trong tươi lai, cả ở thành thị và nông thôn, nhất là ở nông thôn cũng phải được sử dụng nước tốt như thành thị.
"Hệ thống thủy lợi phải liên thông theo khu vực, vùng, tỉnh, huyện và điều hòa được từ nơi thừa nước đến nơi thiếu nước một cách khoa học; chủ động tiêu úng, chống lũ lụt hiệu quả; phải đảm bảo ngăn được xâm ngập mặn, sạt lở bờ biển và nước biển dâng lấn vào đất liền, giữ cho được hình thể của đất nước, không để biển lấn, mà phải lấn biển", Phó chủ tịch nêu rõ.
Một trong những quan điểm chỉ đạo được ông Hiển nhấn mạnh là, phải coi nước là hàng hóa đặc biệt, phải thực hiện nguyên tắc thị trường, từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ nước sản xuất và sinh hoạt. Thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, đối tác công - tư; phân kỳ đầu tư, có trật tự ưu tiên, cấp bách làm trước, lâu dài làm từng bước, khó làm trước, phải có đột phá để xử lý vấn đề khó.
Để chủ động nguồn nước không bị phụ thuộc bên ngoài, cần thực hiện phương châm 4 tại chỗ: sinh thủy tại chỗ; giữ nước tại chỗ; bảo vệ tại chỗ; điều hành, vận hành, phân phối tại chỗ, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nêu một phần lời giải cho bài toán xuyên biên giới được nêu đi nêu lại tại phiên giải trình. Đó là, 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ, trong khi đó việc ứng xử của một số quốc gia ở thượng nguồn làm ảnh hưởng đến nguồn nước chảy vào Việt Nam dẫn đến tình trạng khi cần thì thiếu nước, khi không cần thì lại thừa nước.