Theo ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), từ đầu năm 2014, sau giai đoạn thí điểm (3 - 5 năm), cơ quan chức năng sẽ triển khai rộng rãi tại tất cả DN có nhu cầu.
| ||
Từ đầu năm 2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thí điểm triển khai quỹ hưu trí bổ sung |
Trên thực tế, một số DN ở Việt Nam đã tự thành lập các quỹ hưu trí bổ sung riêng trong nội bộ DN, như Unilever Việt Nam, TNHH Nestle Việt Nam, Dutch Lady Việt Nam…
Tuy nhiên, các quỹ nằm trong DN hiện vẫn mang tính tự phát, chưa được đầu tư trở lại nền kinh tế một cách hiệu quả, người lao động vẫn có thể chịu rủi ro mất quỹ nếu công ty phá sản…
Về ý nghĩa kinh tế, nguồn vốn tiết kiệm của các quỹ hưu trí bổ sung sẽ được đầu tư dài hạn, qua đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn.
Cụ thể, quỹ hưu trí bổ sung sẽ được giao cho một công ty quản lý quỹ quản lý và đầu tư dựa trên sự kiểm soát của ngân hàng giám sát và cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFM) cho biết, quỹ hưu trí bổ sung cũng là quỹ đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, nên sẽ tạo ra các hoạt động giao dịch, qua đó giúp thị trường chứng khoán sôi động hơn, gia tăng nguồn tiền đầu tư. Lợi nhuận có được từ đầu tư vẫn là tài sản của người lao động, công ty quản lý quỹ chỉ thu phí dịch vụ.
Các chuyên gia dự báo, có nhiều yếu tố cho thấy, quy mô của các quỹ hưu trí bổ sung dự kiến sẽ phát triển nhanh sau khi có sự “mở đường” của chính sách.
Công ty VFM đã khảo sát trên 100 DN lớn và hầu hết công ty đều có nhu cầu tham gia quỹ, với mục đích gia tăng công cụ hỗ trợ thu nhập cho người lao động sau khi nghỉ hưu. Trong đó, các DN lớn như Metro Cash & Carry Vietnam, Petro Việt Nam… cho biết, đã có nhu cầu mua bảo hiểm hưu trí bổ sung cho nhân viên từ lâu, nhưng chưa có điều kiện thực hiện.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành điều tra gần 700 DN ở Hà Nội và TP.HCM, kết quả có 70% DN được khảo sát cho biết, có mong muốn tham gia đóng quỹ hưu trí bổ sung cho người lao động.
Xu hướng phát triển chung trên thế giới là quỹ hưu trí bổ sung là một phần thiết yếu bên cạnh quỹ hưu trí cơ bản. Hiện ở Pháp, quỹ hưu trí cơ bản chỉ chiếm 25% thu nhập người nghỉ hưu; ở Thái Lan là 60%; ở Mỹ là 58%...
Hiện trong Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, chỉ còn Việt Nam chưa triển khai quỹ hưu trí bổ sung và trong khối ASEAN, còn Việt Nam, Lào và Campuchia chưa có quỹ này.
Khảo sát của các nhà nghiên cứu cho thấy, thời điểm hiện tại là giai đoạn hợp lý để triển khai quỹ hưu trí bổ sung, do dân số Việt Nam đang già hóa và quỹ hưu trí cơ bản đang ngày một “quá tải”.
Theo tính toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vào năm 2000, cứ 34 người đi làm phải đóng bảo hiểm để trả lương cho 1 người nghỉ hưu. Nhưng tỷ lệ này đang giảm nhanh trong các năm qua và đến năm 2010, chỉ còn 10,69 người đi làm nuôi 1 người nghỉ hưu. Với xu hướng này, quỹ hưu trí cơ bản sẽ không còn đảm bảo được cân đối thu chi vào năm 2033.
Chí Tín