Một tàu du lịch quốc tế cập cảng Chân Mây năm 2019 |
Bộ GTVT vừa có công văn số 3270/BGTVT –KHĐT gửi Cục Hàng hải Việt Nam và Công ty cổ phần Cảng Chân Mây liên quan đến việc cho phép bến số 1, 2 Cảng Chân Mây được tiếp nhận hàng công ten nơ và chủ trương nghiên cứu cải tạo, nâng cấp cầu cảng phục vụ tiếp nhận tàu có trọng tải đến 70.000 DWT.
Công văn của Bộ GTVT nêu rõ, tại Quyết định số 2369/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (Nhóm 3) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Khu bến cảng Chân Mây được quy hoạch là khu bến tổng hợp, container, kết hợp phục vụ tàu khách du lịch quốc tế; tiếp nhận tàu hàng trọng tải từ 30.000 đến 50.000 DWT, tàu hàng container có sức chứa đến 4.000 TEU, tàu khách đến 225.000 GT.
Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, Bến cảng số 1, số 2 Cảng Chân Mây của Công ty cổ phần Cảng Chân Mây được công bố và thỏa thuận với thông số kỹ thuật lần lượt là chiều dài cầu cảng 300 m và 280 m (kết hợp trụ neo), vũng quay tàu có đường kính là 470 m và 340 m. Các công trình có kích thước nói trên có thể đáp ứng việc tiếp nhận cỡ tàu trọng tải đến 70.000 DWT như đề nghị của Công ty cổ phần Cảng Chân Mây.
Để tận dụng, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện có, Bộ GTVT thống nhất chủ trương cho phép Bến số 1, Bến số 2 Cảng Chân Mây được tiếp nhận hàng container và chủ trương nghiên cứu cải tạo nâng cấp tiếp nhận tàu trọng tải đến 70.000 DWT. Trước khi Bến cảng số 1, số 2 Cảng Chân Mây chính thức tiếp nhận tàu làm hàng container và chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư cải tạo, nâng cấp cầu cảng phục vụ tiếp nhận tàu có trọng tải đến 70.000 DWT, Bộ GTVT yêu cầu Công ty cổ phần Cảng Chân Mây có trách nhiệm xin ý kiến chấp thuận chủ trương của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) theo quy định.
Công ty cổ phần Cảng Chân Mây phải phối hợp đơn vị tư vấn chuyên ngành có năng lực, kinh nghiệm đánh giá kết cấu cầu cảng để có giải pháp kỹ thuật đảm bảo tuyệt đối an toàn kết cấu công trình bến cảng.
Bộ GTVT cũng đề nghị chủ đầu tư phối hợp đơn vị tư vấn chuyên ngành căn cứ điều kiện hiện hữu của tuyến luồng hàng hải vào khu bến cảng để tính toán, xây dựng phương án điều động tàu quay trở, neo đậu, vào, rời bến cảng hợp lý; không chồng lấn hành lang an toàn của luồng tàu khi có tàu neo đậu tại cầu cảng; đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường.
Công ty cổ phần Cảng Chân Mây sẽ phải bố trí trang thiết bị bốc dỡ, vận chuyển, lưu trữ hàng hóa đồng bộ, phù hợp với công năng bến cảng, cỡ tàu khai thác; tự huy động vốn để đầu tư mở rộng vũng quay tàu, nâng cấp cầu cảng; khai thác đúng công năng, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư và khai thác bến cảng; không kiến nghị Bộ GTVT đầu tư nâng cấp luồng tàu.
Cảng Chân Mây là cảng biển tổng hợp đầu mối loại 1 của Việt Nam, là một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á. Với vị trí hàng hải thuận lợi kết nối với Singapore, Philippines và Hong Kong. Thêm vào đó, Cảng Chân Mây nằm ở vị trí trung tâm của Việt Nam, giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung (Huế - Đà Nẵng), khu du lịch trọng điểm quốc gia (Cảnh Dương - Lăng Cô - Hải Vân, Vườn quốc gia Bạch Mã), đô thị du lịch quốc gia Huế và là cửa ngõ hướng ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất đối với các vùng miền khu vực Hành lang kinh tế Đông - Tây (là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar).
Hiện tại, Cảng Chân Mây sở hữu Bến số 1 với 480m cầu bến, trong đó tuyến bến phía biển dài 360m, với độ sâu trước bến -12,5m đủ khả năng tiếp nhận các tàu hàng tổng hợp lên đến 50.000DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn có chiều dài đến 362m và 225.282GT. Cảng Chân Mây hội đủ điều kiện và tiềm năng để phát triển trở thành cảng đón được các cỡ tàu du lịch mới nhất và lớn nhất thế giới.
Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng sản lượng hàng hóa, Cảng Chân Mây đang đầu tư xây dựng Bến số 2 với cầu tàu dài 280m cho tàu hàng 50.000DWT, dự kiến đưa vào khai thác trong năm nay.