Ngân hàng - Bảo hiểm
Cho vay cầm đồ “hút máu” mùa dịch, dồn người vay vào bước đường cùng
Hà Tâm - 27/08/2020 08:13
Mất việc làm, thu nhập sụt giảm khiến không ít người lao động phải mang tài sản đi cầm để xoay xở, sống sót qua đại dịch.

Thế nhưng, với lãi suất cho vay cắt cổ, nhiều cửa hàng cho vay cầm đồ đang dồn người vay vào bước đường cùng.

Ngoài lãi suất cao, F88 còn yêu cầu người vay phải mua bảo hiểm vật chất ô tô, xe máy và bảo hiểm bảo vệ thu nhập gia đình.

Lãi suất cho vay 100 - 300%/năm 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, anh Nguyễn Văn T. (Bắc Ninh) cho hay, cuối năm ngoái, do gia đình có việc đột xuất, anh phải mang cầm cố xe máy tại cơ sở cầm đồ F88 (đường Ngô Gia Tự, TP. Bắc Ninh). Khi cầm cố, anh được nhân viên cửa hàng cho hay lãi suất cho vay của F88 rất hợp lý, chỉ 1,1%/tháng (13,2%/năm). Thế nhưng, khi ký xong hợp đồng, anh mới ngã ngửa bởi lãi suất cho vay thực tế lên tới 8,1%/tháng (lãi suất 1,1%, phí thẩm định điều kiện vay 1,4%, phí quản lý tài sản cầm cố 5,6%), tương đương 97,2%/năm.

Không chỉ áp dụng lãi suất cao, F88 còn yêu cầu người vay phải mua bảo hiểm vật chất ô tô, xe máy và bảo hiểm bảo vệ thu nhập gia đình. Anh T. cho hay, anh vay 20 triệu đồng cầm cố xe máy trong 12 tháng, nhưng sau khi nộp phí bảo hiểm thì chỉ được cầm 19 triệu đồng. Suốt 7 tháng qua, anh đã trả bên cầm cố hơn 19 triệu đồng tiền gốc và lãi (kể cả lãi nộp chậm 300.000 đồng/lần).

Theo hợp đồng, trong 5 tháng cuối năm, anh phải trả hơn 13,5 triệu đồng gốc và lãi. Dịch bệnh xảy ra, thu nhập sút giảm khiến gánh nặng trả nợ càng lớn, anh T. muốn tất toán trước hạn, thì phía công ty báo là sẽ phạt 8%, tổng số tiền gốc, lãi và tiền phạt lên tới gần 13,2 triệu đồng. Như vậy, kể cả tất toán trước hạn, anh vẫn phải trả F88 tổng số tiền 32 triệu đồng cho khoản vay thực nhận 19 triệu đồng trong vòng 7 tháng.

“F88 quảng cáo là hình thức cho vay cầm đồ kiểu mới, lãi suất thấp, hỗ trợ người vay, nhưng thực tế là “treo đầu dê bán thịt chó”, dồn người vay vào bước đường cùng”, anh T. cay đắng nói. 

Không chỉ F88, theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, đa phần các tiệm cầm đồ trên thị trường đang áp dụng lãi suất 5 - 10%/tháng, tương ứng với 60 - 120%/năm. Cá biệt, có những cơ sở cầm đồ nhỏ lẻ cho vay với lãi suất 300 - 500%/năm.

Covid - 19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người lao động. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ nửa đầu năm nay đã có gần 31 triệu người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid -19 như mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Tuy nhiên, người lao động rơi vào khốn khó cũng là lúc nhiều tiệm cầm đồ ra sức “hút máu” người vay. Lãi suất cao cắt cổ cùng lợi nhuận khổng lồ khiến các chuỗi cho vay cầm đồ nở rộ thời gian gần đây, điển hình là F88, camdonhanh, Vietmoney, Dongshopsun… 

Mặc dù từ đầu năm đến nay, lực lượng công an tích cực vào cuộc, số trường hợp núp bóng tiệm cầm đồ cho vay nặng lãi bị phát hiện ngày càng nhiều, song so với số vi phạm vẫn như muối bỏ bể.

Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP.HCM vừa triệt phá một đường dây núp bóng tiệm cầm đồ để cho vay nặng lãi quy mô lớn do  Nguyễn Bá Mẽ (sinh năm 1987, quê tỉnh Thái Nguyên) cầm đầu, cho vay với lãi suất 20 - 45%/tháng (240 - 540%/năm). Tháng 6/2020, Công an tỉnh Hải Dương sau khi kiểm tra 7 cơ sở cầm đồ cũng bắt giữ các đối tượng cho vay nặng lãi với mức lãi 3.000 - 5.000 đồng cho 1 triệu đồng/ngày.

Luật hở, các tiệm cầm đồ mặc sức chặt chém người vay

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, việc quản lý hoạt động cho vay của hệ thống các cửa hàng của tiệm cầm đồ, chuỗi cầm đồ có đăng ký kinh doanh hiện nay còn lỏng lẻo, trong khi con số cơ sở kinh doanh cầm đồ trên cả nước là rất lớn. Chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM, số cơ sở kinh doanh cầm đồ đã lên tới trên 4.000.

Theo ước tính của các chuyên gia, quy mô thị trường cho vay cầm đồ ở Việt Nam có thể lên tới cả chục tỷ USD. Tuy nhiên, quản lý hoạt động cho vay của các cơ sở cầm đồ hầu như đang bị bỏ ngỏ, khiến rất nhiều tiệm cầm đồ biến tướng thành tín dụng đen trá hình. Trong bối cảnh dịch Covid - 19 tác động lớn đến đời sống và thu nhập người lao động, các tiệm cầm đồ lại càng tận dụng cơ hội để hút máu người vay.

Mặc dù F88 và đa phần các cơ sở cầm đồ đều cho vay với lãi suất cắt cổ, song theo các luật sư, rất khó xử phạt các cơ sở này với tội danh cho vay nặng lãi. Trước đây, Thông tư liên tịch giữa Bộ Thương mại và Ngân hàng Nhà nước số 02/1995/TT/LB quy định, lãi suất cầm đồ và phí  cầm đồ tối đa không quá 4,2% tháng. Tuy nhiên, quy định hiện hành bỏ lọt quy định về phí, chỉ quy định lãi suất cho vay cầm đồ không được vượt quá quy định của Bộ luật Dân sự (20%/năm). Đây là kẽ hở để các cơ sở cầm đồ “lách” bằng cách quy định lãi suất cho vay thấp song lại kèm theo “rừng” phí như bảo hiểm, phí thẩm định, phí quản lý tài sản…

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng, về nguyên tắc, mọi chi phí đến vay cầm đồ đều phải tính là lãi suất, chứ không phải chi phí ngoài lãi. Các tiệm cầm đồ tách lãi suất và các loại phí là hành vi lách luật.

Theo đánh giá của các địa phương, hoạt động cho vay cầm đồ đa phần chỉ mang lại lợi ích cho cơ sở kinh doanh, đóng góp cho ngân sách rất ít ỏi trong khi hệ lụy phát sinh là rất lớn. Chính vì vậy, hiện nhiều địa phương đã bắt đầu siết chặt hoạt động của các cơ sở kinh doanh cầm đồ. Mới đây, Đà Nẵng tuyên bố tiếp tục ngừng cấp phép cho các cơ sở kinh doanh cầm đồ trong năm 2020.

Để ngăn chặn tín dụng đen, các hình thức cho vay lãi suất cắt cổ, có nước đặt ra mức lãi suất trần, có nước lại để lãi suất tự do theo thỏa thuận, nhà nước chỉ can thiệp khi có hậu quả nghiêm trọng xảy ra.

Với Việt Nam, để ngăn chặn “tín dụng đen”, theo tôi, cũng có thể nghiên cứu đưa ra trần lãi suất cho vay (bao gồm cả lãi suất và các loại phí), song trước hết vẫn phải tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, đưa ra các chế tài xử phạt thật nghiêm tội phạm cho vay nặng lãi. Điều quan trọng không kém là phải tăng giáo dục tài chính, nâng cao hiểu biết của người dân về dịch vụ tín dụng, giúp người dân biết đến các kênh tín dụng chính thức cũng như nhận diện tín dụng đen.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

Tin liên quan
Tin khác